Tổ Điều hành thị trường trong nước: Tập trung rà soát hoạt động lưu thông hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ
Tổ Điều hành thị trường trong nước đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao để tổ chức Tết Ất Tỵ an toàn, tiết kiệm...
Sáng 7/1, tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước tổ chức cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tham dự và chủ trì cuộc họp, cùng với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, Sở Công Thương địa phương và các Hiệp hội trong nước liên quan.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 12 ước tăng 1,9% so với tháng trước
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Thúy Hiền cho biết, thị trường hàng hóa thế giới trong tháng 12 năm 2024 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tình trạng bất ổn an ninh, chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn rủi ro tới sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu. Xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp tục kéo dài gây tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và giá nhiều loại hàng hóa, nhất là năng lượng.
Nhìn chung, hầu hết giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới như dầu thô, khô dầu đậu tương, ngô vàng, lúa mì của Mỹ, thép, đường, sữa... trong tháng 12 có xu hướng tăng giảm đan xen. Trong khi đó giá vàng tăng mạnh so với năm 2023 trong bối cảnh Fed giảm lãi suất và xung đột chính trị kéo dài.
Về thị trường hàng hóa trong nước, do năm nay Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến sớm nên các hoạt động chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đã bắt đầu được các doanh nghiệp triển khai từ tháng 12. Các chương trình xúc tiến thương mại cũng được các địa phương tổ chức tích cực tại khắp các địa bàn nên thị trường hàng hóa khá sôi động. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, đa dạng, chất lượng hàng hóa được các đơn vị chức năng tích cực rà soát, giám sát trong các đợt cao điểm kiểm tra dịp Tết Nguyên đán, giá cả hàng hóa không có biến động bất thường, một số mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng giá biến động theo giá trên thị trường thế giới.
Các nhóm hàng nông sản thiết yếu, nguyên nhiên vật liệu và vật tư nông nghiệp cũng không có nhiều biến động bất thường trong năm 2024.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm 2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011 - 2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tặng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, đóng góp 44,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,21%, đóng góp 51,11%.
Tính chung, GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Về sử dụng GDP năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,57% so với năm 2023; tích lũy tài sản tăng 7,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,10%. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 12 đạt 571 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ gia đình, dịch vụ lưu trú ăn uống với mức tăng từ 2 - 3,4%, các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,5 - 1,3%. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa cả năm 2024 đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023, trong đó, các nhóm hàng có mức tăng khá là nhóm lương thực, thực phẩm, dịch vụ lưu trú, ăn uống với mức tăng từ 10 - 13%, các nhóm còn lại chỉ tăng từ 3,6 - 8,4%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2024 chỉ tăng 5,9% so với năm 2023.
CPI tháng 12 tăng 0,29% so với tháng trước, trong đó nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 2,19%) do một số địa phương điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế theo mức lương cơ bản tăng; tiếp đến nhóm giao thông (tăng 0,57% do nhu cầu đi lại dịp cuối năm tăng, giá xăng tăng...); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,53% do giá thuê nhà tăng, vụ ăn uống và bưu chính viễn thông đều giảm 0,13%. Lũy kế, CPI tháng 12/2023 tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2023.
Một số kiến nghị, đề xuất tăng cường công tác điều hành thị trường trong nước
Tổ Điều hành thị trường trong nước dự báo trong thời gian tới, vào giai đoạn cuối năm và các hoạt động kinh doanh đang tập trung cho công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa ngày càng sôi động với nhiều chương trình xúc tiến thương mại được triển khai, nhu cầu các mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết sẽ tăng. Nguồn cung các mặt hàng được đánh giá sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, giá hàng hóa sẽ không có biến động lớn. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng tiếp tục chịu ảnh hưởng của diễn biến giá thế giới nên sẽ có biến động tăng giảm đan xen.
Trên tinh thần đó, nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đầy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh hiện nay, Tổ Điều hành thị trường trong nước báo cáo và và đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chi thị số 12/CT-BCT ngày 20 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cà, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu của xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị (Ngân hàng nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng; Sở Công Thương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, Hiệp hội Giấy và Bột giấy, Hiệp hội Phân bón, Hiệp hội các nhà bán lẻ, Hiệp hội Xăng dầu, Hiệp hội Thép...) đã báo cáo những đặc điểm nổi bật của ngành và đưa ra một số kiến nghị. Cụ thể, kiến nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chính sách hợp lý trong việc điều chỉnh giá các mặt hàng trọng yếu là đầu vào của sản xuất xi măng như điện, than, xăng, dầu; kiến nghị Bộ Công Thương triển khai các giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu các chính sách bảo hộ thương mại không công bằng của một số nước về nhập khẩu clanke và xi măng của Việt Nam; chỉ đạo Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cung cấp đủ than, điện bảo đảm cho nhu cầu sản xuất xi măng.
Đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương, Ngân Hàng nhà nước nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều kiện tín dụng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn hiện nay, cụ thể: (1) Tạo kiện cho vay vốn ngắn hạn để các doanh nghiệp có nguồn bổ sung vốn lưu động kịp thời, giúp giải quyết khó khăn tạm thời, góp phần ổn định và duy trì sản xuất - kinh doanh; (2) Xem xét điều kiện tín dụng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay trung hạn để đầu tư công nghệ theo định hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn của Chính phủ, đồng thời đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường; (3) Xem xét giảm kỹ quỹ nhập khẩu đầu vào tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn vốn chủ động nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, khẳng định sẽ tiếp thu, xem xét để áp dụng điều chỉnh trong những hoạt động sắp tới.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của công tác điều hành thị trường trong nước trong tháng 12 nói riêng và cả năm 2024 nói chung, Thứ trưởng mong muốn các đơn vị tiếp tục phát huy vai trò của mình và tập trung thực hiện 3 nội dung trọng tâm:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ, uyển chuyển giữa các cơ quan, đơn vị về quản lý thị trường trong nước.
Thứ hai, nâng cao công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo sớm về các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ ba, xây dựng các bộ chỉ số đánh giá cụ thể kết quả thực hiện quản lý thị trường trong nước, để đưa ra những điều chỉnh kịp thời, chính xác và đồng bộ.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho 4 tập thể có thành tích xuất sắc, tích cực đồng hành cùng Bộ Công Thương trong hoạt động hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra, gồm: Công ty TNHH AEON Việt Nam, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, Tập đoàn Central Retail Việt Nam, Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh.