Tờ giấy khai sinh làm ở Hoàng Sa

Trong hàng trăm bức ảnh của triển lãm, tôi đã dừng lại rất lâu trước một tư liệu chụp tờ khai sinh của một công dân Việt Nam được làm tại Hoàng Sa.

Hôm nay, ngày 19-1 là tròn 50 năm Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19-1-1974 -19-1-2024). Một tháng trước, đoàn gần 100 cán bộ tuyên giáo, phóng viên, biên tập viên đã tham gia chuyến Hành trình về nguồn “Qua miền Tây Bắc” năm 2023 do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức và một trong những điều ấn tượng nhất với chúng tôi là khi đến thăm nhà tù Sơn La, đã tham dự được một cuộc triển lãm về chủ quyền biển đảo Việt Nam với rất nhiều cảm xúc.

Đã có hàng trăm triển lãm chuyên đề như thế này được trưng bày trên khắp cả nước, nhưng nhìn những bức ảnh tư liệu minh chứng chủ quyền biển đảo của đất nước trong khoảng sân đầy nắng của một di tích lịch sử - biểu tượng về ý chí quật cường, giữa núi rừng Tây Bắc xa xôi, thật khó để diễn tả hết niềm xúc động của những người có mặt. Trong hàng trăm bức ảnh của triển lãm, tôi đã dừng lại rất lâu trước một tư liệu chụp tờ khai sinh của một công dân Việt Nam được làm tại Hoàng Sa. Tờ khai sinh được lấy từ nguồn lưu trữ của Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao. Tờ khai sinh bằng tiếng Pháp được dịch ra tiếng Việt:

“Họ và tên: Mai Kim Quy - giới tính: nữ; Ngày và nơi sinh: 7/12/1939 lúc 15 giờ tại đảo Pattle (Hoàng Sa) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Là con gái ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng và bà Nguyễn Thị Thắng, nội trợ.

Người làm chứng thứ nhất: Nguyễn Tăng Chuẩn, bác sĩ Đông Dương

Người làm chứng thứ hai: Đỗ Đức Mùi, Giám đốc Đài phát thanh

Đại diện phái đoàn ký tên: Chauvet (Đây là bản sao làm tại đảo Pattle (Hoàng Sa) ngày 28-6-1940)

“Em bé” sinh ra ở quần đảo Hoàng Sa năm ấy, nếu còn sống thì nay đã 85 tuổi.

 Tư liệu chụp tờ khai sinh của một công dân Việt Nam được làm tại Hoàng Sa tại di tích nhà tù Sơn La

Tư liệu chụp tờ khai sinh của một công dân Việt Nam được làm tại Hoàng Sa tại di tích nhà tù Sơn La

Đứng trước tờ khai sinh của một công dân được sinh ra gần một thế kỷ trước ở Hoàng Sa, tôi chợt nhớ câu chuyện không thể quên của một đồng nghiệp đàn anh - nhà báo Vĩnh Quyền, vẫn thường hay kể mỗi khi nhắc đến Hoàng Sa. Năm 1993, trong một lần chuẩn bị ra công tác ở Trường Sa, anh tìm đến nhà người thầy giáo cũ để mượn tài liệu biển đảo tham khảo. Khi đến nhà thầy giáo, anh được giới thiệu 2 người con trai sinh đôi của thầy tên Quang Ảnh và Hữu Nhật cùng con gái út tên Duy Mộng. Vốn chưa hiểu rõ nên anh cũng không để trong lòng. Sau đó khi về khách sạn, đọc bản dịch luận án của thầy, anh mới xúc động hiểu ra và không giấu được sự xấu hổ khi biết được địa danh Quang Ảnh, Hữu Nhật và Duy Mộng là tên 3 đảo lớn thuộc quần đảo Hoàng Sa. “Tôi đã vô tâm nghe lướt qua khi người thầy cũ trang trọng giới thiệu tên những đứa con…”, nhà báo Vĩnh Quyền tâm sự.

Nhưng, đó không chỉ là tên 3 hòn đảo của quần đảo Hoàng Sa được người thầy ấy chọn đặt cho những đứa con của mình. Quang Ảnh, Hữu Nhật và Duy Mộng - cũng chính là tên của những vị Suất đội thủy quân đã được vua Gia Long và vua Minh Mạng cử ra ngàn khơi trấn giữ Hoàng Sa từ đầu thế kỷ XIX. Trong đó, Suất đội Phạm Quang Ảnh đem đoàn ra khảo sát trong các năm 1815, 1816; còn các Suất đội Phạm Hữu Nhật, Lê Duy Mộng, Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên cùng Đội Hoàng Sa đã ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm trụ chủ quyền, dựng bia, lập miếu, trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ…

Tên của những tiền nhân có công khảo sát, xây dựng được lấy làm tên đảo. Tên của đảo được hậu thế đặt tên cho con cái mình… Từ bao đời, tình yêu Hoàng Sa vẫn như những hồng cầu luân lưu trong huyết quản mỗi người dân Việt Nam!

Nhìn tờ khai sinh, nhớ đến những tên đảo đã thành tên người, tôi lại nhớ về người thầy Nguyễn Mai Trọng ở một ngôi trường miền Tây Quảng Trị âm thầm hành động, góp phần truyền đi tình yêu biển đảo trong các em học sinh. Gần mười năm trước khi làm hiệu trưởng trường Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa), thầy Nguyễn Mai Trọng đã phục dựng một mô hình về trận chiến bảo vệ Gạc Ma, đặt tên Hoàng Sa, Trường Sa cho những con đường trong khuôn viên trường. Sau này chuyển về làm hiệu trưởng trường tiểu học và THCS ở xã A Xing, thầy Trọng cũng đặt tên khối nhà học của cấp tiểu học là Hoàng Sa, khối nhà của THCS là Trường Sa và các dãy phòng học được đặt tên theo tên những hòn đảo. Trong đó có 2 dãy phòng được đặt tên là Lưỡi Liềm và An Vĩnh (2 đảo thuộc Hoàng Sa), 2 dãy phòng khác được đặt tên Song Tử và Thị Tứ (2 đảo thuộc Trường Sa)…

Có hàng ngàn câu chuyện nhỏ như thế vẫn hiện diện quanh ta mỗi ngày như nhắc nhớ về mảnh đất yêu thương giữa trùng dương giờ vẫn chưa về cùng đất mẹ Việt Nam. Và những câu chuyện lặng thầm như thế lại là lời nhắc nhớ thẳm sâu rằng chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để mảnh đất máu thịt không còn bị cắt rời, mà việc đầu tiên là không được phép lãng quên!

AN DU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/to-giay-khai-sinh-lam-o-hoang-sa-post723367.html