Tổ hợp 'lạ' trong xét tuyển đại học: Vừa mừng, vừa lo

Thông tin đáng chú ý trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 là sự xuất hiện của một số tổ hợp 'lạ' - không có môn học cốt lõi liên quan đến ngành đào tạo, khiến thí sinh vừa mừng, vừa lo.

Sự xuất hiện của một số tổ hợp “lạ”, khiến thí sinh vừa mừng, vừa lo. Ảnh: PT

Sự xuất hiện của một số tổ hợp “lạ”, khiến thí sinh vừa mừng, vừa lo. Ảnh: PT

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh đại học, các cơ sở đào tạo đã công bố đề án tuyển sinh năm 2025. Bên cạnh sự đa dạng của tổ hợp, có sự xuất hiện của một số tổ hợp “lạ”, khiến thí sinh vừa mừng, vừa lo. Mừng vì cơ hội vào đại học rộng mở, nhưng cũng nhấp nhổm lo lắng liệu có lại xảy ra việc mất công bằng trong xét tuyển đại học.

Đa dạng tổ hợp xét tuyển

Ấp ủ ước mơ làm cô giáo dạy lịch sử, từ năm học lớp 10, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) xác định rõ mục tiêu sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ đăng ký ngành sư phạm lịch sử. Vì thế, suốt ba năm học cấp trung học phổ thông, em luôn nỗ lực học tập, mở rộng kiến thức các môn khoa học xã hội, đặc biệt là lịch sử. Tuy nhiên, vài ngày qua, khi tìm hiểu phương án tuyển sinh của một số trường có ngành lịch sử, em khá hoang mang lo lắng khi thấy tổ hợp xét tuyển năm nay không có môn lịch sử.

Cụ thể, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngành sư phạm lịch sử của Trường Đại học sư phạm (Đại học Thái Nguyên) có 4 tổ hợp xét tuyển thì chỉ có 2 tổ hợp sử dụng môn lịch sử, gồm: C19 (ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân) và C00 (ngữ văn, lịch sử, địa lý); 2 tổ hợp còn lại không có môn lịch sử là C20 (ngữ văn, địa lý, giáo dục công dân) và D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh).

Tại Hà Nội, ngành sư phạm lịch sử của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội năm nay xét tuyển theo 4 tổ hợp, trong đó chỉ có một tổ hợp có môn lịch sử là C03 (ngữ văn, toán, lịch sử).

Năm nay Trường Đại học Y Hà Nội tuyển sinh chủ yếu bằng tổ hợp B00 (toán, hóa học, sinh) nhưng có hai ngành sử dụng tổ hợp khác là tâm lý học xét bằng tổ hợp D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh), C00 (ngữ văn, lịch sử, địa lý) và y tế công cộng - xét tổ hợp D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh).

Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm nay sử dụng 9 tổ hợp xét tuyển, tăng 5 tổ hợp so với năm ngoái, trong đó có khá nhiều ngành như công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và mạng máy tính sử dụng các tổ hợp toán, ngữ văn, lịch sử hoặc toán, ngữ văn, địa lý. Đáng chú ý, ngành công nghệ sinh học và công nghệ sinh dược có 8 trong số 9 tổ hợp xét tuyển không có môn sinh.

Nhiều trăn trở

Cho rằng, sự đa dạng các tổ hợp xét tuyển có thể tạo thuận lợi hơn cho thí sinh khi cơ hội vào đại học rộng mở, nhưng nhiều học sinh và giáo viên phổ thông trên địa bàn Hà Nội cũng bày tỏ lo lắng về việc thiếu công bằng trong xét tuyển đại học năm nay khi xuất hiện một số ngành, trường xét tuyển bằng các tổ hợp không có môn chính liên quan đến ngành đào tạo.

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ về các tổ hợp xét tuyển đại học năm 2025. Ảnh: Lê Nguyễn

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ về các tổ hợp xét tuyển đại học năm 2025. Ảnh: Lê Nguyễn

Thực tế tìm hiểu cho thấy, không chỉ Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm), mà không ít thí sinh khác cho biết, các em đã dành nhiều thời gian, công sức trau dồi kiến thức, kỹ năng môn lịch sử trong suốt ba năm cấp trung học phổ thông, nhưng đến giờ lại khá bất ngờ và cảm thấy thiệt thòi, thiếu công bằng khi có những bạn có thể trúng tuyển ngành sư phạm lịch sử mà không cần điểm môn này.

Tại Hà Nội, không ít học sinh lớp 12 cũng bày tỏ lo lắng liệu rằng thời gian tới có thể sẽ tiếp tục xuất hiện của các tổ hợp “lạ” ở các ngành khác, trường khác khiến các em có thể bị thiệt thòi. Ví dụ, đã có trường xét tuyển ngành ngôn ngữ Anh nhưng trong tổ hợp xét tuyển lại không có môn tiếng Anh. Nếu một thí sinh không thực sự giỏi môn tiếng Anh nhưng vẫn trúng tuyển nhờ điểm cao ở môn khác thì liệu có công bằng hay không?

Lo lắng khi thấy một số trường xét tuyển bằng tổ hợp không có môn chính liên quan đến ngành đào tạo, bà Trần Thị Mai Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) bày tỏ, nếu xét tuyển bằng các tổ hợp không có môn gốc của ngành đào tạo, thì thí sinh sẽ gặp khó trong quá trình học tập, đồng thời cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo…

Năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong số 10 môn học trong chương trình. Về lý thuyết, từ các môn thi tốt nghiệp sẽ tạo ra 36 tổ hợp cho 4 môn thi tốt nghiệp; 81 tổ hợp theo 3 môn xét tuyển đại học. Nhưng trên thực tế, do học sinh trung học phổ thông được lựa chọn môn học, mỗi học sinh không học hết các môn học trong chương trình nên số tổ hợp môn thi tốt nghiệp của mỗi em sẽ ít hơn 36, số tổ hợp xét tuyển đại học cũng ít hơn 81.

Các cơ sở đào tạo mở thêm tổ hợp xét tuyển để bảo đảm nguồn tuyển, đồng thời cũng tạo thêm thuận lợi cho thí sinh năm nay. Thí sinh dù học môn lựa chọn nào ở cấp trung học phổ thông cũng có cơ hội tham gia xét tuyển vào trường.

Thực tế trên cho thấy, vấn đề còn lại là cần kiểm soát chất lượng để bảo đảm các tổ hợp xét tuyển đại học cần đủ để thí sinh có thể lựa chọn nhưng vẫn phải bảo đảm kiến thức nền tảng phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Việc này trước hết cần sự chủ động, trách nhiệm từ chính các nhà trường để bảo đảm uy tín, chất lượng đào tạo của đơn vị một cách bền vững, sau đó là cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/to-hop-la-trong-xet-tuyen-dai-hoc-vua-mung-vua-lo-697189.html