Tổ hợp tác nuôi cá nơi đất trũng

Vùng đất trũng của xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc đã trở thành nơi nuôi cá tập trung. Và những người nông dân năng động nơi đây đã tập hợp sức mạnh, đoàn kết cùng nhau phát triển nghề nuôi cá, mang lại thịnh vượng cho một miền quê.

Cho cá ăn bằng bè tự chế tại thôn Ánh Mai 3

Cho cá ăn bằng bè tự chế tại thôn Ánh Mai 3

Chị Lê Nguyễn Hải Linh, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Ánh Mai 3, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc chia sẻ, thôn Ánh Mai 3 đất đai cằn cỗi, vốn thuộc đất cà phê nhưng cây cà phê trồng xuống, còi cọc vàng úa, 2 năm không ra nổi trái. Vì thôn Ánh Mai trong sâu, đất thuộc vùng trũng, thêm thiếu màu mỡ nên việc trồng trọt rất khó khăn. Bắt đầu từ vài hộ gia đình có hồ nhỏ trong vườn thả thêm ít cá cải thiện bữa ăn, bà con Ánh Mai 3 nhận thấy con cá phù hợp với đất trũng nên học hỏi nhau, đào ao thả cá thay cho việc trước đó cố gắng trồng cà phê kém năng suất. Và hôm nay, cuối thôn Ánh Mai 3 đã trở thành vùng chuyên nuôi cá rô phi cung cấp cho thành phố Bảo Lộc và khu vực lân cận.

Chị Hải Linh chia sẻ, là chi hội trưởng nông dân, gia đình chị cũng là hộ nuôi cá lâu năm. Quanh xóm có trên 10 hộ đều đào ao thả cá, diện tích mỗi nhà cũng cả ha mặt nước. Vì vậy, Hội Nông dân vận động bà con thành lập tổ hợp tác, cùng nhau phát triển kinh tế. Tổ có hơn 10 thành viên với cả chục ha mặt nước. Vào tổ hợp tác, thành viên có thể lên kế hoạch xuống giống cùng nhau, lấy được giống số nhiều với giá tốt. Các hộ cũng sẵn sàng chia sẻ, cho mượn các dụng cụ phục vụ nuôi cá như lưới, thùng phuy... Có hộ chuyên thu mua cá, phục vụ cho thành viên với giá cả ổn định.

Chị Linh cho biết, thôn Ánh Mai 3 đất trũng, nhiệt độ nước khá lạnh nên ít loài cá thích nghi được. Sau khi trải qua nhiều lần nuôi và rút kinh nghiệm, bà con nhận thấy vùng này hợp với cá rô phi, loài cá ưa nước mát, có sức chịu đựng tốt. Như nhà chị Linh, với 1,5 ha mặt nước chia thành 2 ao cũng thả tầm 22 ngàn cá giống. Nhiều nông hộ có diện tích ao ớn hơn, thả nhiều hơn. Mỗi năm, thôn Ánh Mai 3 cung cấp hàng trăm tấn cá rô phi ra thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho nông hộ.

Một điều chị Hải Linh rất tự hào là bà con thôn Ánh Mai 3 đã biết tìm ra phương pháp nuôi cá rô phi riêng biệt, phù hợp với vùng đất địa phương. Ao nuôi cá trong thôn đều là ao đất kín, không có nước ra - vào, vì vậy rất khó nuôi cá. Bà con chỉ thả cá một vụ, bắt đầu từ thời gian sau tết. Đang lúc mùa khô, lượng nước ít nhưng cá còn nhỏ, không đòi hỏi nhiều nước cũng như thức ăn. Bắt đầu mùa mưa, nước nhiều thuận lợi, cá cũng bước vào giai đoạn lớn nhanh, bà con cho ăn thúc 2 lần/ngày. Và cuối năm, khi bắt đầu mùa khô, mùa thu hoạch cà phê, bà con cũng ngừng cho ăn thúc, cho ăn duy trì và bắt đầu thu hoạch.

Anh Hoàng Văn Kiên, chồng chị Hải Linh đang cho cá ăn trên chiếc bè rất đặc biệt. Bè được làm từ 4 thùng phuy nhựa cũ, trên đặt bao cám. Hai chiếc cọc đóng ngang qua ao, neo dây thép, người cho ăn di chuyển bè bằng cách lấy tay kéo dây để bè đi từ từ, vừa di chuyển vừa rải thức ăn. Anh Kiên cho biết, đây là cách cho ăn rất hiệu quả mà bà con nào ở Ánh Mai 3 cũng áp dụng. Cho ăn bằng bè giúp cá ăn giữa ao, tránh tình trạng quẫy ven bờ gây sụt lở bờ ao. Đồng thời, cá ăn giữa ao là nơi nước sâu, cá sẽ không bị va chạm vào nhau gây xướt xát vây mang, giảm tỷ lệ cá chậm lớn, cá bệnh.

Việc chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá tiên tiến chính là hiệu quả của việc bà con tập trung thành tổ hợp tác nuôi cá thôn Ánh Mai 3. Vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng áp dụng hệ thống phun mưa, tạo oxy cho ao mang lại kết quả tốt và gia đình anh đã chuyển giao kỹ thuật tiến bộ này cho các thành viên trong tổ.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Nông dân phường Lộc Châu cho biết, tổ hợp tác nuôi cá thôn Ánh Mai 3 làm ăn hiệu quả, đoàn kết, hỗ trợ thành viên cùng phát triển. Đây là mô hình hợp tác đạt kết quả rõ rệt, nông dân đoàn kết cùng vươn lên cạnh tranh với thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho từng thành viên.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202103/to-hop-tac-nuoi-ca-noi-dat-trung-3049810/