'Tổ phụ nữ mua bán trái thốt nốt' hỗ trợ phụ nữ Khmer phát triển kinh tế
Ngay sau khi thành lập, 'Tổ phụ nữ mua bán trái thốt nốt' ở xã An Tức (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã ngày càng phát huy được hiệu quả, góp phần giúp cuộc sống của hội viên, phụ nữ là người Khmer ngày càng tốt hơn.
An Tức là một trong số những xã đặc biệt khó khăn và có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống của huyện Tri Tôn. Chị Neáng Sa Vếth (người Khmer) - Chủ tịch Hội LHPN xã An Tức cho biết, trên địa bàn xã cũng như ở huyện Tri Tôn có điểm nổi bật là trồng rất nhiều cây thốt nốt. Sau dịch Covid-19, với mong muốn hỗ trợ giúp việc phát triển kinh tế của chị em đạt được hiệu quả ngày càng cao nên Hội đã thành lập "Tổ phụ nữ mua bán trái thốt nốt".
Cũng theo chị Neáng Sa Vếth, hiện trên địa bàn vẫn còn hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Việc triển khai mô hình chỉ là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ chị em phát triển kinh tế; cũng như góp phần tạo công ăn việc làm, hạn chế tình trạng phụ nữ đi làm ăn xa.
Để hiểu rõ hơn về hoạt động hỗ trợ chị em Khmer phát triển kinh tế, Báo PNVN đã trao đổi với chịNeáng Sa Vếth, Chủ tịch Hội LHPN xã An Tức như sau:
Thưa chị Neáng Sa Vếth, "Tổ phụ nữ mua bán trái thốt nốt" hiệngồm bao nhiêu thành viên và hoạt động như thế nào, thưa chị?
- Chị Neáng Sa Vếth: Được thành lập từ năm 2021 đến nay, tổ gồm 12 thành viên là phụ nữ đồng bào dân tộc Khmer. Hiện nay, bên cạnh vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã thì tôi cũng phụ trách 'Tổ phụ nữ mua bán trái thốt nốt'.
Việc thành lập tổ nhằm kết nối, tạo điều kiện cho chị em trồng thốt nốt trên địa bàn có được hiệu quả sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Bằng nhiều hình thức thông tin như gặp mặt trực tiếp, liên lạc qua mạng xã hội… các thành viên trong tổ thường xuyên thông tin cho nhau về các điểm bán, thu mua cây thốt nốt, trái thốt nốt tươi. Từ đó, việc buôn bán được dễ dàng và có giá tốt nhất.
Bên cạnh đó, tại những buổi sinh hoạt, các thành viên trong tổ cũng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh để chị em học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó giúp công việc của các thành viên trong tổ ngày càng đạt được hiệu quả cao.
Bên cạnh bán trái thốt nốt tươi, các thành viên trong tổ có làm, bán các sản phẩm khác từ cây thốt nốt để nâng cao giá trị kinh tế không, thưa chị?
- Ngoài bán trái tươi thì chị em cũng có làm nhiều sản phẩm khác nhau từ thốt nốt. Đặc biệt là nghề nấu đường thốt nốt truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Bên cạnh đó, trái thốt nốt chín là nguyên liệu chính để làm ra loại bánh bò thốt nốt thơm ngon...
Với việc thành lập "Tổ phụ nữ mua bán trái thốt nốt", có chị đã mạnh dạn tổ chức bán hàng trên các trang mạng xã hội nên sản phẩm cũng được nhiều người biết đến, mang lại hiệu quả kinh tế.
Chị có nói việc thành lập "Tổ phụ nữ mua bán trái thốt nốt" chỉ là một trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ Khmer phát triển kinh tế. Vậy Hội còn triển khai hoạt động nổi bật nào để hỗ trợ chị em?
- Ngoài "Tổ phụ nữ mua bán trái thốt nốt", Hội cũng đã thành lập "Tổ đan lục bình" với 27 hội viên, phụ nữ tham gia. Các thành viên trong tổ sẽ thực hiện gia công sản phẩm cho các cơ sở, công ty trên địa bàn. Từ đó cũng tạo được thu nhập ổn định cho chị em đồng bào dân tộc.
Bên cạnh đó, Hội LHPN xã cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho chị em vay vốn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp phát triển kinh tế.
Chị đánh giá thế nào về đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn hiện nay?
- Tuy vẫn còn hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; thuộc diện nghèo, cận nghèo nhưng so với trước đây thì cuộc sống vật chất, tinh thần của phụ nữ Khmer trên địa bàn đã ngày càng tốt hơn, ổn định hơn. Có không ít chị em đã biết phát triển kinh tế, xây dựng được nhà cửa khang trang, cho con ăn học tới nơi tới chốn. Cuộc sống của chị em ngày càng bình đẳng, tiến bộ hơn, tình trạng bạo lực gia đình giảm.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
An Giang là tỉnh đa dân tộc với gần 28.500 hộ đồng bào dân tộc Khmer, Chăm, Hoa với gần 112.000 người (chiếm 5,26% tổng dân số toàn tỉnh). Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 3,98% dân số toàn tỉnh, sống tập trung nhiều nhất ở hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Nguồn thu nhập của đồng bào dân tộc chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi, làm thuê làm mướn, nghề truyền thống…