Tổ quốc đang cần sự dấn thân, lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đang rất cần sự dấn thân, lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ 'bằng tâm thế sáng tạo, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp chung'.
Sáng nay (19/5), Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (VHNT) diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tri ân các thế hệ văn nghệ sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp cách mạng, vinh danh những văn nghệ sĩ bằng tài năng sáng tạo và sức lao động bền bỉ đã có nhiều tác phẩm, cụm tác phẩm đặc biệt xuất sắc.
Chủ tịch nước chúc mừng thành tựu to lớn mà đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã đạt được trong những năm qua; chúc mừng các tác giả, thân nhân các tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.
Chủ tịch nước cũng đề nghị thời gian tới, công tác xét tặng không được "bỏ sót" các tác phẩm thực sự có giá trị, không để văn nghệ sĩ xứng đáng nhưng chưa được vinh danh.
"Trước những thách thức đặt ra hiện nay, trước sự đe dọa đối với phẩm giá con người, đất nước ta cần nhiều hơn nữa các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đó là những tác phẩm phản ánh được thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực, thúc đẩy đời sống dân chủ lành mạnh, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam và khát vọng lớn lao của toàn dân tộc", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch nước, hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đang rất cần sự dấn thân, lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ "bằng tâm thế sáng tạo, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp chung".
Chủ tịch nước yêu cầu các đơn vị khuyến khích văn nghệ sĩ trẻ dấn thân vào thực tiễn rộng lớn, sinh động của đời sống xã hội, khám phá vẻ đẹp con người Việt Nam; đổi mới tư duy sáng tạo, tìm kiếm thủ pháp nghệ thuật mới mẻ nhằm truyền tải một cách thuyết phục chiều sâu tư tưởng và nhân văn, phù hợp với giới trẻ, hấp dẫn được công chúng, đưa văn hóa truyền thống đi cùng với thời đại, lan tỏa tình yêu cuộc sống và những khát vọng đẹp đẽ.
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2021 trao cho 128 tác giả, đồng tác giả; trong đó 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào đợt này.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTT&DL nhận được 10 đơn thư, kiến nghị liên quan đến một số hồ sơ xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Bộ đã triển khai xem xét đơn thư theo đúng quy định: kiểm tra hồ sơ tác phẩm, nhân thân tác giả; yêu cầu Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước báo cáo, giải trình và trả lời cá nhân có đơn thư, kiến nghị.
Tất cả thông tin kiến nghị liên quan đến tác phẩm, cụm tác phẩm và tác giả có hồ sơ đề nghị xét tặng đều được rà soát, xác minh kịp thời, không để tình trạng cứ có đơn thư là để lại hồ sơ.
NSND Ứng Duy Thịnh giành Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm: Kịch múa Đất nước, Ngọn lửa và cuốn sách Con đường dân gian đến sáng tạo múa chuyên nghiệp.
Ông chia sẻ với VietNamNet, khi nhận giải thưởng liền nhớ đến những giai đoạn khó khăn khi làm nghề. Lúc không hài lòng với vai diễn, ông đã mày mò sáng tác, biên đạo, rong ruổi khắp các nẻo đường, vùng miền trên cả nước để tìm chất liệu cho tác phẩm của mình.
"Tôi quan niệm đã là nghệ sĩ phải nêu cao trách nhiệm công dân và trách nhiệm với những cảm xúc nghệ thuật để làm sao nghệ thuật phải làm "tổ" trong trái tim khán giả. Đó cũng luôn là bài học tôi truyền lại cho nhiều thế hệ học trò", NSND Duy Thịnh nói.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn được trao Giải thưởng Nhà nước với ca khúc Tổ quốc gọi tên mình. Từ khi ra đời (2011) ca khúc đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, hàng triệu người biết đến và hàng trăm ca sĩ thể hiện.
"Thời điểm tháng 8/2011, với trách nhiệm của một nhạc sĩ, công dân của đất nước, tôi nghĩ sẽ viết gì đó về tình hình biển Đông và Tổ quốc gọi tên mình ra đời. Lúc sáng tác, tôi nghĩ ca khúc vang lên thể hiện tiếng nói của bản thân, không ngờ có sự lan tỏa khủng khiếp. Bản thân được đào tạo rất bài bản về sáng tác nhưng chất liệu nung nấu nhất để phổ nhạc cho ca khúc này là từ dòng máu của gia đình. Bố mẹ tôi đều đi qua hai cuộc trường chinh của Tổ quốc, từng là cựu tù Côn Đảo, dòng họ có 5-6 liệt sĩ. Khi có những biến động của lịch sử, đất nước thì chất men, dòng máu này được khơi dậy", nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tâm sự.
Thông điệp mà ông muốn nhắn nhủ đến thế hệ hôm nay và cả mai sau là "trước những vận mệnh của Tổ quốc, tất cả chúng ta, mỗi người ở mỗi vị trí phải sẵn sàng vì đất nước".