Tổ quốc phải trên hết!

Người xem trận bóng đá đội tuyển quốc gia Việt Nam gặp đội tuyển quốc gia Lào trong giải AFF Cup 2020 qua nền tảng xã hội vô cùng bức xúc bởi một sự việc chưa từng xảy ra: Lời Quốc ca Việt Nam bị ngắt tiếng khi ban tổ chức cử nhạc và các cầu thủ, khán giả trên sân đang nghiêm trang, xúc động chào cờ và hát Quốc ca.

Bao biện cho việc ngắt tín hiệu âm thanh này là “vì lý do bản quyền âm nhạc”. Đây có lẽ là hành động lấn tới một cách lỗ mãng, thiếu văn hóa sau vụ lình xình đòi bản quyền của một đơn vị sản xuất âm nhạc trong nước trước đó. Không ai có thể đòi chiếm hữu cả lời ca được cất lên từ trái tim các cầu thủ và người hâm mộ ở sân vận động được truyền về Tổ quốc!

Bản nhạc Tiến quân ca (Quốc ca) của nhạc sĩ Văn Cao đã được gia đình hiến tặng cho nhân dân, cho Nhà nước Việt Nam theo đúng tâm nguyện của cố nhạc sĩ và vì thế, bản quyền bây giờ thuộc về quốc gia. Để có được những gì mà bài Quốc ca gói ghém, chất chứa trong từng ca từ, dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi bằng máu xương của bao thế hệ, để cờ đỏ sao vàng "in máu", "mang hồn nước", để Tổ quốc mãi vững bền.

 Khán giả không nghe được Quốc ca khi mở đầu trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào/ Ảnh chụp màn hình/ nguồn: vietnamnet.vn.

Khán giả không nghe được Quốc ca khi mở đầu trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào/ Ảnh chụp màn hình/ nguồn: vietnamnet.vn.

Không phải ngẫu nhiên, Quốc ca Việt Nam đã được bình chọn là ấn tượng nhất, hào hùng nhất thế giới trong số 6 đất nước được vinh danh. Hiển nhiên, với bất cứ đất nước nào thì khi hát quốc ca, chào cờ tổ quốc cũng sẽ là điều thiêng liêng với mỗi người dân nước đó. Đối với chúng ta, một đất nước mấy nghìn năm văn hiến, một dân tộc bao đời phải vùng lên đánh đuổi ngoại xâm, lật đổ ách thống trị, xóa bỏ xiềng xích của bao kẻ thù hung hãn để mãi mãi trường tồn, sánh vai với năm châu, thì Quốc ca còn là quốc hồn, quốc túy.

Hát Quốc ca, yêu Quốc ca là tự thân, mà ngay những em bé mới tập nói cũng đã tập hát. Quốc ca là tiếng ca vang trong những sự kiện thiêng liêng nhất, là tiếng hòa vang tiếng sóng của những người dân, người lính nơi đảo xa, là câu ca trên mỗi triền núi, dải sông, là lời của Tổ quốc ở trong trái tim mỗi người.

Quốc ca, Quốc kỳ của Tổ quốc Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp và là điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Không có một thứ bản quyền nào cao hơn Hiến pháp. Và nữa, Quốc ca, Quốc kỳ xuất hiện trên trường quốc tế còn là niềm tự hào, tự trọng dân tộc. Không thể có một thế lực nào vì những âm mưu thâm độc, vì lợi ích nhỏ nhoi của một bộ phận nào đó mà dám tuyên bố “bản quyền” (ở đây là cướp quyền) với Quốc ca Việt Nam.

Nhân dân yêu cầu các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải làm rõ, tường minh để chấm dứt “bản quyền” vô lý này. Trước hết, trách nhiệm đó thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch-cơ quan được giao có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị của ca khúc này.

Tổ quốc phải trên hết!

NGÔ ANH THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/to-quoc-phai-tren-het-679813