Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ: Nữ viện trưởng 8X
Tự tin, bản lĩnh, quyết đoán, không ngại thử thách là ấn tượng của chúng tôi khi tiếp xúc với Thiếu tá Phạm Thị Huyền, sinh năm 1987, Viện trưởng Viện 10, Bộ tư lệnh 86.
Tốt nghiệp THPT, quyết định thi vào Khoa Vô tuyến điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự mang đến nhiều băn khoăn, lo lắng cho gia đình, người thân của Huyền. Mọi người sợ Huyền không chịu được áp lực trong môi trường quân sự. Hơn nữa, chuyên ngành điện tử liệu có phù hợp với cô gái mảnh mai, yếu đuối như Huyền? Năm 2011, tốt nghiệp Học viện loại giỏi kèm theo danh hiệu thủ khoa khóa 41, Khoa Vô tuyến điện tử đã chứng minh cho sự lựa chọn đúng đắn của Phạm Thị Huyền.
Về nhận công tác tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm an toàn thông tin-Viện Khoa học Công nghệ và Quân sự (nay là Viện 10, Bộ tư lệnh 86), với Huyền đó vừa là một thử thách, vừa là bệ đỡ quan trọng để sự nhiệt huyết, đam mê khoa học của chị được thăng hoa. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và năng lực của bản thân, một năm sau, chị được cấp trên tin tưởng điều động vào làm việc tại Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, song bản thân Huyền vẫn nung nấu mong muốn được tiếp tục học tập để nâng cao trình độ, hoàn thiện bản thân.
Mong ước trở thành hiện thực, cuối năm 2012, Huyền nhận được học bổng toàn phần cho khóa học kết hợp thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường Đại học Inha Hàn Quốc. Hai năm hoàn thành khóa học thạc sĩ, thay vì làm nghiên cứu sinh tiến sĩ trong thời gian 5 năm như thông lệ, Huyền chỉ mất có 3 năm với số điểm tối đa của Hội đồng bảo vệ. Về nước với tấm bằng tiến sĩ xuất sắc, Huyền được cấp trên tin tưởng giao trọng trách Trưởng phòng Hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều khiển Viện 10. Lúc đó Huyền mới 31 tuổi và là một trong hai nữ cán bộ đầu tiên của Bộ tư lệnh 86.
Được đào tạo bài bản cả trong và ngoài nước, nghiêm túc trong công việc, Huyền là người luôn tiên phong trong các nhiệm vụ khó, nhiệm vụ mới của đơn vị. Hiện chị là chủ nhiệm và tham gia cùng nhiều công trình, đề tài, sản phẩm cấp nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh 86. Tiêu biểu như sản phẩm "Thu thập xử lý thông tin trên KMG ứng dụng công nghệ AI" đạt Giải thưởng VNISA Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam “Sản phẩm mới triển vọng” 2020; đồng sáng kiến “Xây dựng thiết bị sao chép dữ liệu an toàn một chiều tốc độ cao Datadiode” đạt giải Nhất Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 22 (năm 2022)...
Với tinh thần xả thân, hết mình trong thực hiện nhiệm vụ đã giúp Huyền ngày càng khẳng định được năng lực của bản thân. Ghi nhận những nỗ lực cố gắng của Thiếu tá Phạm Thị Huyền, tháng 8-2022, Đảng ủy Bộ tư lệnh 86 tin tưởng giao trọng trách Viện trưởng Viện 10. Trên cương vị mới, Huyền từng bước thể hiện rõ vai trò vừa làm nhiệm vụ chuyên môn vừa làm tốt công tác quản lý. Bản thân Thiếu tá Phạm Thị Huyền luôn sâu sát, bao quát trong từng nhiệm vụ. Đối với những nhiệm vụ khó và mới, chị trực tiếp bám sát, cùng anh em thực hiện. Cứ thế, một số ý kiến ban đầu nghi ngờ về năng lực quản lý, điều hành của nữ cán bộ trẻ trong đơn vị dần dần bị xóa nhòa.