Tô thắm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, với bản lĩnh, ý chí, nghị lực, lòng nhân ái, nhân hậu, đức hy sinh và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, phụ nữ (PN) Việt Nam đã vượt qua mọi nghịch cảnh, định kiến, khó khăn, có những đóng góp to lớn, góp phần dệt thêu giang sơn gấm vóc Việt Nam thêm rạng rỡ.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngợi ca: “PN ta chẳng tầm thường; đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Người cũng dành tặng PN Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, qua hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, biết bao bà mẹ đã không chỉ một lần gạt nước mắt tiễn chồng con ra trận. Có những bà mẹ đã đào hầm để nuôi giấu cán bộ cách mạng từ lúc tóc còn xanh cho đến khi đầu bạc. Có những bà mẹ thức thâu đêm vá áo cho chiến sĩ. Có những người chị ngã xuống khi tuổi đời mới 18, đôi mươi như mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc...; máu của các chị đã đổ để cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam đã đi vào thơ ca nhạc họa. Cái đẹp ấy kết tinh trong những cái tên đầy màu sắc huyền thoại như Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Hồng Gấm, chị Út Tịch, mẹ Suốt,...

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nói đến PN là nói đến phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng PN thì không giải phóng một nửa loài người, nếu không giải phóng PN thì việc xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa,… Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập dân tộc chẳng có nghĩa lý gì.

Đây không chỉ là hoài bão, lý tưởng của Đảng và Bác Hồ mà nó là con đường hết sức đúng đắn để đưa dân tộc ta đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong đó, giải phóng PN là một mục tiêu cụ thể cần thực hiện “chúng ta làm cách mạng để giành lấy tự do, độc lập, dân chủ, bình đẳng trai gái đều ngang quyền nhau”.

Những năm qua, phong trào PN và bình đẳng giới của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Chiếm hơn 50% dân số và gần 48% lực lượng lao động xã hội, PN Việt Nam có mặt, chủ động tham gia trong mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH, ở mọi vùng miền của Tổ quốc. Các tầng lớp PN đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác; PN Việt Nam tỏ ra không thua kém nam giới, vươn lên khẳng định vị trí người làm chủ xã hội, thiên nhiên và gia đình, bản thân; đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…; là nhân tố đặc biệt quan trọng, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và ngày càng nhiều người phụ nữ tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực, đạo đức con người mới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, công tác Hội và phong trào PN còn một số hạn chế, khó khăn. Đó là, phong trào PN chưa đồng đều trên mọi lĩnh vực, vùng miền, đối tượng, chưa khơi dậy và phát huy đầy đủ tiềm năng, sức sáng tạo của một bộ phận PN. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa được đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả thực hiện một số phong trào của hội chưa cao. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận PN còn khó khăn, nhất là sau ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; tỷ lệ PN nông thôn được đào tạo nghề còn thấp,...

Để khẳng định, nâng cao vai trò nòng cốt trong công tác PN, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phối hợp, tạo điều kiện để PN có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Hội Liên hiệp PN Việt Nam cần quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; có những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Các cấp Hội cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả vì sự phát triển toàn diện của PN. Vận động PN rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

PN Việt Nam tiếp tục khẳng định mình, bằng vẻ đẹp và cái đẹp của chính tâm hồn mình, đem trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết của mình ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Tiếp tục khẳng định lời dạy của Bác Hồ: “Non sông gấm vóc Việt Nam, do PN ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”,... “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà Mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người con ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng để bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”./.

Nguyễn Thanh Hoàng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/to-tham-truyen-thong-tot-dep-cua-phu-nu-viet-nam-a172414.html