Tổ trưởng dân phố

Khi gia đình tôi dọn đến ngõ 555 trên phố T.D.H thì ở đây đã có tổ dân phố rồi và giữ trách nhiệm tổ trưởng tổ dân phố này là một người đàn ông tên Bân.

Còn nhớ sáng ấy, đang loay hoay xếp dọn cái bàn nước ở gian giữa căn nhà thì tôi chợt nghe tiếng gõ cổng. Ngoảnh ra, tôi chưa kịp cất tiếng mời thì đã thấy lập sập bước vào một người đàn ông trạc 50 tuổi, người sắt seo, mặt lưỡi cày với hai con mắt ti hí lấp láy sáng và một cặp môi dày đỏ quết trầu. Sùm sụp cái mũ cối xanh, quai kéo khít cái cằm nhọn, người đàn ông này mặc áo bộ đội bốn túi đã sờn và quàng qua vai là một cái xắc cốt giả da đỏ quạch cũ kỹ.

- Thế nào, hôm ni dọn đến ở chính thức rồi hỉ, nhà báo!

Sau khi trỏ vào ngực mình, tự giới thiệu tên Bân, Tổ trưởng tổ dân phố 50, người đàn ông chủ động bắt chuyện với tôi bằng một giọng nói vang rền, khỏe khoắn và đầy tự tin. Ông nói, ông biết gia đình tôi hôm qua đã làm lễ nhập trạch, ông khen tôi là nhà báo có khác nên chọn đúng ngày cát khánh và làm lễ đúng cung cách, chứ không như mấy ông bà “tai to mặt lớn” ở ngõ này, chẳng biết lệ cổ, chỉ cậy tiền tổ chức ăn mừng tân gia om sòm tốn phí thôi.

Đang lúc mới vào chuyện thì nghe thấy tiếng con nít láo nháo ở ngoài cổng. Rồi một đứa cất tiếng gọi rõ to và trịnh trọng:

- Bác đại tá Bân ơi! Bà Trình bột đang cãi nhau với ông Thêm sẹo, bác lại bảo ban họ đi bác ạ!

Gọi rồi, đám trẻ kéo nhau đi. Và ông Bân, như bị lũ trẻ hút theo, tạm biệt tôi đi luôn, để lại cho tôi một thoáng ngẩn ngơ.

Đại tá Bân! Sao trẻ nít lại gọi như thế? Vì cách gọi này thường chỉ thấy trong những lúc thi hành công vụ hay lễ lạt, họp hành long trọng thôi! Vì cứ hình dong mà xét thì ông Bân làm sao hồi đương chức lại có được cái hàm vị lớn như vầy. Ông Bân không có tướng làm quan! Nhưng mà nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại. Phong cho ông Bân chức đại tá, phải công nhận là đám con nít chúng tinh quái lắm! Tất nhiên là chúng muốn bày tỏ sự cảm mến và tuân phục đặc biệt thế nào đó với ông. Nhưng rõ ràng là chúng đã nhận ra cái vẻ oai phong, cái khí chất quyết đoán của kẻ làm quan, ở sau vỏ xuềnh xoàng của ông.

Giọng nói của ông Bân lạ lắm. Còn thô mộc nguyên sơ, chưa trau chuốt, sang trọng, nhưng giọng ông đúng là rất vang trầm, sang sảng, đầy khí lực. Nó là giọng của kẻ có uy, có quyền.

- Cái bếp than hun khói răng để giữa đàng thế, chị Trình. Thôi thế thì đúng là chị không muốn cho em trắng đùi như chị rồi hớ!

- Nè các cháu. Tự do của ta phải dừng lại ở điểm khởi đầu tự do của người khác. Vậy hãy tự hỏi xem, các cháu chơi bóng lúc mọi người đang ngủ trưa thì đúng hay là sai!

- Làm trai không ai muốn hèn cả. Nhưng chú mắc vòng nghiện ngập thì chú là hèn đại nhân đấy, chú Biên ạ.

- Hôm ni là ngày tết Độc lập. Yêu cầu nhà ông Ban, ông Dinh, bà Khâu treo cờ Tổ quốc. Ăn quả nhớ người trồng cây. Vì ai mà ta có đời độc lập, sung sướng này, ta phải biết chớ!

Ông Bân toang toang ra lệnh. Ông Bân ồn ào tranh cãi, đối đáp. Ông Bân gay gắt phê phán, chê bai. Tuy vậy, lúc nào lời nói của ông cũng có uy, vì nó có nguồn gốc, có xuất xứ, có ngọn ngành, lại thêm tí văn hoa dân dã nữa. Ông là người có nghĩa lý. Vả lại tính ông thẳng mực tầu không sợ đau lòng gỗ. Ông là người sốt sắng với công việc. Vô cùng sốt sắng với một tinh thần vô tư, không mảy may vụ lợi.

Minh họa: Sỹ Hòa

Minh họa: Sỹ Hòa

Có được một người sốt sắng với việc chung như thế lúc này thật là may mắn cho cái ngõ này. Ngõ này tiếng thế cũng không đơn thuần. Không đơn thuần không phải ở đây có tay cờ bạc bịp Thêm sẹo, người nghiện ngập. Mà vì là nơi cư ngụ khi hưu trí của nhiều ông có chức vị lớn. Thói cậy quyền vì đồng hóa cá nhân mình với chức vụ, thêm tệ công thần khiến vài vị chẳng còn biết nể sợ kỷ cương, phép tắc gì. Ngõ cấm, họ cứ cho ôtô riêng đi bừa vào. Sửa nhà, làm tắc cống cả ngõ. Bảo họ, họ cứ lờ đi mà chẳng ai dám làm gì! Những chuyện như thế có thể kể cả ngày.

Tôi đi công tác vắng một tuần về thì đã thấy ngõ xóm rì rầm chuyện ông Xùng, đại tá về hưu ngang nhiên cho ôtô chở vật liệu vào ngõ cấm và đang sửa chữa lại công trình phụ lấn ra đất chung. Vợ tôi kể, công an phường nghe dân phản ánh, đã điện mời ông ra đồn nói chuyện, nhưng ông không thèm trả lời. Rồi bảo, ông Bân đang có ý tìm tôi. Có lẽ ông muốn nhà báo lên tiếng trong vụ này!

Tôi chưa kịp hỏi thêm, thì hình như không thể nấn ná hơn, chiều ấy ông Bân đã đến thẳng nhà ông Đại tá Xùng.

Nhà ông Xùng đang phá phần công trình phụ để nới ra phần đất lấn thêm. Đám thợ được thuê phá toàn những tay búa, tay xà beng trần trùng trục, đô con lực sĩ, thấy bóng ông tổ trưởng sùm sụp mũ cối xanh, xắc cốt đỏ như bức tranh hài hước, lập tức như được dịp giải lao, cười ngả ngốn:

- Kính chào đại tá Bân. Lần ni xem đại tá nào là thiệt, đại tá nào là rởm đây, ngài Bân nhỉ.

Cương nhu cần đúng lúc, nghe vậy ông Bân lập tức nghiêm nét mặt:

- Vấn đề không phải là thiệt hay không thiệt. Mà tôi đến đây là để mần công chuyện với ông chủ thuê các chú.

Đôi bên đang lời qua tiếng lại thì nghe thấy một tiếng e hèm rõ to. Rồi bệ vệ bước ra một người to béo mỡ màng, tóc trắng bông, da đỏ au, mắt sáng rỡ, kiểu người đại thọ, cả đời sung sướng.

- Ông mô ra oai cóc tía muốn gặp tôi thế!

Nghe câu đánh tiếng đầy vẻ khinh nhờn, biết ngay đây là ông Đại tá Xùng, bao nhiêu sĩ khí như bay biến hết, ông Bân liền gập người xuống, lí nhí:

- Em không dám, chào thủ trưởng ạ...

- Anh là…

- Dạ, con là Bân, Tổ trưởng tổ dân phố. Con có tí việc muốn nói với ông.

- Thế thì mời anh.

Khom lưng như khúm núm, theo tay ông Xùng chỉ, ông Bân bước vào phòng khách. Phòng khách nhà ông đại tá rộng thênh thang và sang trọng quá. Lọt thỏm giữa một bên là một ông hổ nhồi vàng xuộm, một bên là chú gấu ngựa nhồi đen trũi, cả hai đều nhe nanh rất dữ tợn. Ông tổ trưởng bỗng thấy mình trở nên nhỏ bé, cô độc quá, nên vừa ngồi vào chiếc ghế bành, ông đã lập cập chắp hai tay:

- Thưa ông, tiếng là tổ trưởng dân phố nhưng con thật có lỗi vì hôm ni mới đến thăm ông được.

- Cảm ơn.

- Dạ, xin ông đừng cảm ơn con. Vì đó là bổn phận của con ạ.

Thấy ông đại tá im im, ông Bân đã lấy lại được chút bình tĩnh. Ông hơi nghển lên và giọng đã cao lên một nấc:

- Nói có ngọn đèn kia làm chứng, con không phải khoe khoang. Nội trong ngõ ni, con đã hiểu ít ra là hoàn cảnh của chín mươi chín phần trăm bà con. Như gia đình ông Biền thương binh bị nhiễm chất độc da cam ở cạnh nhà ông đấy. Bảy mươi tuổi rồi mà vẫn phải nuôi mẹ già mù lòa. Con cái 3 đứa không việc làm. Bản thân thì bị bệnh tiểu đường vừa phải tháo khớp chân. Thật không hiểu dưới gầm trời ni còn có ai khổ hơn không? Hoặc như...

- Ờ ờ...

Miệng ậm ờ, tay nhấc chén trà, mặt ông Đại tá Xùng to béo trong giây lát lồ lộ vẻ dửng dưng, khinh khỉnh. Hất hàm, ông bảo ông tổ trưởng uống nước, thái độ hết sức điềm nhiên, kẻ cả, tưởng như đã trấn áp được kẻ hèn mọn dưới quyền mình. Nhưng lần này thì ông nhầm. Đúng là khôn ngoan đến cửa quan mới biết. Ông Bân có sợ sệt thì chỉ là sợ sệt bề ngoài thôi. Con người ta là vậy. Nó có cái vỏ bên ngoài và cái ruột bên trong. Ông Bân là người ngoài mềm nhưng trong cứng. Hoặc nói đúng hơn là, mềm yếu chỉ là chốc lát thoáng qua. Dưới cái vẻ yểu nhược, khom nịnh của ông là một ý chí rắn rỏi, quyết liệt.

Thành ra, ông Đại tá Xùng vừa đặt tách trà xuống bàn, thì ông tổ trưởng dân phố liền đổi lại thế ngồi cho ngay ngắn, rồi chủ động:

- Ông ạ, sách có câu: Có chí mần quan, có gan mần giàu. Nhưng theo con, mần chi thì cũng phải: Người trông cây hạnh người chơi. Ta trồng cây đức để đời về sau.

Ngắt giọng, nhưng không để ông Xùng kịp đoán định đối phó, ông Bân lại tiếp tục, giọng ráo riết hơn:

- Thưa ông, ông đã nghe thì ông cho con nói nốt. Về mọi mặt, con chỉ là đứa thảo dân, xin chắp tay kính phục ông. Nhưng lưỡi con vốn dài hơn tay, xin phép ông, hôm ni con đến đây để chê ông một điều.

- Chê tôi?

- Vâng, thưa ông, sách cũng có câu: Quân hùng thì tướng mạnh, vậy mà ông lại không biết dùng quân.

- Hừ! Anh định nói cái chi?

- Con xin lỗi ông. Vậy thì con xin nói thế ni: Ông mải bận bịu công to việc nhớn, không để ý đến việc nhỏ nên đã bị quân nó lừa.

- Ta bị lừa!

- Thưa ông, đó là vì ông thuê phải đám thợ đã hỗn hào lại chưa mần xã đã học ăn bớt. Ông xem, tình nghĩa xóm giềng là cái mây quây cái rế. Thế mà họ bỉ mặt ông, họ dám mần trái lệnh ông, để thiên hạ chê trách. Thật là con dại cái mang chưa!

Câu nói cuối cùng của ông Bân bị ngắt quãng vì cái đập tay xuống bàn và một tiếng gầm nho nhỏ của ông đại tá. Hơi chồm dậy, mặt đỏ tía, ông đại tá chỉ thẳng tay vào mặt ông tổ trưởng, chành miệng, quát:

- Nè, anh tưởng anh định nói cái chi mà tôi không biết hả?

- Ơ!

- Nói cho anh biết: Giở trò xỏ xiên ra với tôi là không đặng đâu!

- Ơ!

Há hốc mồm, ông Bân hơi giật mình, bật ngửa ra phía sau. Rõ ràng là ông đã có ý đổ thừa lỗi cho đám thợ, để mở lối thoát cho ông đại tá đỡ mất sĩ diện. Thế mà ông lại cố tình không hiểu, đánh chết cái nết không chừa, lại ỷ thế ta đây lấn át người. Hai tay nắm chặt, những nốt rỗ huê trên mặt đỏ tía lên, ông Bân nghiến chặt hai hàm răng:

- Thế thì tôi cũng nói để ông biết. Tự do của ông phải dừng lại ở chỗ khởi đầu tự do của người khác. Để mãi mãi là con người tự do, con người tốt đẹp thì phải biết sống cân bằng giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng.

Mặt hầm hầm, ông đại tá đứng vụt dậy, há miệng quát to. Cũng chẳng vừa, kẻ tám lạng, người nửa cân, ông Bân cũng đứng phắt lên, nghiến răng gầm ghè:

- Ông Xùng, ông là đại tá bị về hưu vì tội tham ô. Các cụ xưa có câu: Quan mất sĩ như... Sĩ ở đây có thể hiểu là sĩ diện, là danh dự, ông có hiểu không?

Quan trẩy rồi, thợ cũng tếch nốt. Mưu toan lấn chiếm đất công của ông đại tá thất bại. Mọi người nghe chuyện cười hề hề: Dám vào tận hang bắt cọp, khá thật!

Ông Bân lại được bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố 50 khóa mới! Ông Thêm sẹo và cô Trình bột nói: Chúng tôi bầu ông Bân làm Tổ trưởng tổ dân phố 50 này cả hai tay. Ông Bân sẽ được dân cư tổ này bầu làm tổ trưởng mãn đời, suốt đời! Vì chẳng có thể tìm được ai mẫn cán, tận tụy việc dân, việc nước như ông. Công việc đầu sai, trăm thứ bà rằn, lương không, bổng lộc không. Quyền thì rơm, vạ thì đá…

Và ông Bân tổ trưởng bị nhận đòn trả thù thật! Nhưng từ bệnh viện về, ông lại đi thoăn thoắt, cười rổn rảng, nói oang oang. Hề hấn gì, ông biết thừa kẻ nào giở trò ném đá giấu tay rồi. Bọn con nít thấy ông, bâu lại hỏi han. Ông xoa đầu bọn chúng, thân thiết nói: Đừng gọi bác là đại tá nhé. Bác làm gì xứng với chức vị ấy. Đi bộ đội bác chỉ là anh thượng sĩ. Giờ làm tổ trưởng dân phố thì cũng chỉ tương đương với chức vụ ấy thôi. Nói xong, ông xoa tay cười hề hề.

Ma Văn Kháng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/162302/to-truong-dan-pho