Tổ truyền thông cộng đồng: Nhiệm vụ và quyền lợi
Để thực hiện được mục đích khi thành lập, tổ truyền thông cộng đồng thuộc Dự án 8 có nhiệm vụ và quyền lợi cụ thể.
Nhiệm vụ của Tổ truyền thông cộng đồng
- Xác định các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại địa phương để tuyên truyền, vận động thay đổi, giải quyết.
- Xác định nội dung, hình thức truyền thông phù hợp với địa phương.
- Xây dựng kế hoạch và Tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông theo kế hoạch.
- Báo cáo, đánh giá và rút kinh nghiệm các hoạt động truyền thông của Tổ.
Nhiệm vụ của Ban điều hành Tổ truyền thông cộng đồng
- Chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động tháng, quý, năm và Tổ chức triển khai theo kế hoạch.
- Tổ chức, điều hành các cuộc họp giao ban định kỳ.
- Chuẩn bị tài liệu, phương tiện truyền thông theo kế hoạch, phân công người thực hiện.
- Củng cố, duy trì và phát triển Tổ (đề xuất điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi quy chế hoạt động của Tổ; giới thiệu kiện toàn thành viên…).
- Thực hiện giám sát, đánh giá việc triển khai hoạt động của thành viên Tổ.
- Định kỳ báo cáo với BCH Hội LHPN xã về tình hình của Tổ và phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến Tổ (định kỳ hàng tháng, 06 tháng, 01 năm và đột xuất).
Nhiệm vụ của thành viên Tổ truyền thông cộng đồng
- Tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế…góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại.
- Tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng; Kịp thời phản ánh với Ban điều hành Tổ về các vấn đề phát hiện ở địa bàn. Tích cực tham gia đóng góp các ý kiến, đề xuất giải pháp trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch của Tổ.
- Tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, các buổi họp giao ban, thực hiện các hoạt động truyền thông theo phân công.
- Đoàn kết, hỗ trợ, hợp tác với các thành viên trong Tổ để củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ.
- Chủ động học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ được phân công.
- Tích cực, chủ động khai thác nguồn lực để hỗ trợ triển khai các hoạt động tại địa phương.
Quyền lợi của thành viên Tổ truyền thông cộng đồng
- Được tham gia tập huấn nâng cao năng lực thường xuyên và định kỳ.
- Được cung cấp tài liệu sinh hoạt, thông tin có liên quan và hỗ trợ kỹ thuật hàng năm; được mượn sách báo, tài liệu liên quan để nghiên cứu, tìm hiểu.
- Được tham gia các hội thảo, hội nghị có liên quan.
- Được giao lưu, chia sẻ với các Tổ truyền thông hay các Tổ/nhóm/CLB khác trên địa bàn tỉnh hoặc ở phạm vi toàn quốc.
- Được ghi nhận, biểu dương, khen thưởng theo quy định.
Về kinh phí hoạt động
- Mức hỗ trợ ban đầu, trọn gói 3 triệu đồng/mô hình trong đó, kinh phí ưu tiên chi hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ Tổ truyền thông như: loa kéo, loa cầm tay, máy chiếu mini…. Trong trường hợp các Tổ có thể sử dụng trang thiết bị sẵn có, Tổ có thể chi cho các hoạt động truyền thông theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi từ nguồn ngân sách dành cho Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với mô hình điểm do Trung ương Hội LHPN Việt Nam trực tiếp thực hiện sẽ theo Kế hoạch số 96 /KH - ĐCT ngày 23/8/2022 về việc chỉ đạo điểm các mô hình, hoạt động can thiệp của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.