Tổ tự quản theo nhu cầu của người dân
Nhằm phát huy tinh thần tự quản của nhân dân, MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã chủ động triển khai xây dựng mô hình tổ dân cư tự quản. Thời gian qua, các mô hình tự quản đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên Phạm Thái Hanh, việc triển khai các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư trên địa bàn bước đầu đã phát huy vai trò, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các mô hình tự quản đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số mô hình hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực: Giúp nhau phát triển kinh tế, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh hoặc các mô hình, câu lạc bộ hoạt động theo sở thích của nhân dân.
Tiêu biểu, MTTQ TP Thái Nguyên sau 3 năm triển khai xây dựng mô hình điểm tự quản ở khu dân cư gắn với thực hiện nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Đề án phát triển kinh tế - xã hội TP Thái Nguyên, việc triển khai xây dựng mô hình điểm tự quản ở khu dân cư (KDC) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Các xã, phường đã xây dựng và duy trì 104 mô hình điểm tự quản ở KDC cấp thành phố. Có 3 mô hình điểm tự quản ở KDC cấp tỉnh. Trong đó, số mô hình tốt đạt hiệu quả đang được duy trì, nhân rộng là 74 mô hình, số mô hình khá đang được nâng cao chất lượng các tiêu chí là 23 mô hình...
Phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các xã, huyện tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tặng thùng đựng rác cho hộ gia đình, thành lập các tổ tự quản về môi trường và gắn biển “Đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp”. Chị em hội viên trong được tuyên truyền những nội dung liên quan tới nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn, trách nhiệm của hộ gia đình trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa như: Thực hiện cải thiện hộ gia đình 3 sạch: sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp; hộ gia đình thực hiện nguyên tắc “3 có”: Có “túi đựng rác tiết kiệm”, có “túi đựng rác ni lon”, có “hố rác gia đình”; những cách đơn giản giảm thiểu rác thải nhựa, cách phân loại rác và tái chế đúng cách.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Phú Lương cũng triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm giữ gìn môi trường xanh sạch. Trong đó, việc thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường đã và đang được Hội triển khai rộng tới cơ sở. Đến nay, nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm đã không còn tình trạng ném rác bừa bãi. Toàn huyện Phú Lương hiện có 81 tổ tự quản bảo vệ môi trường hoạt động hiệu quả.
Xuất phát từ thực tiễn, huyện Võ Nhai đã giao hơn 4.200ha rừng núi đá cho 127 tổ tự quản bảo vệ, quản lý trong thời gian 50 năm. Mỗi tổ tự quản được giao từ 10-30ha rừng, việc quản lý, bảo vệ thực hiện theo hương ước và quy ước chung. Hiện nay, tại những khu rừng được giao cho các tổ tự quản đã được cắm biển cấm các hành vi hủy hoại rừng. Những trường hợp vi phạm sẽ bị tổ tự quản xử lý theo hương ước hoặc báo lên cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý (đối với các vụ vi phạm lớn). Việc các tổ tự quản được thành lập, đi vào hoạt động góp phần quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn bàn tốt hơn.
Ông Phạm Thái Hanh nhấn mạnh: Thời gian qua, các mô hình cơ bản đều xuất phát từ thực tiễn cơ sở, hình thành do nhân dân đề xuất, triển khai, qua đó tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.