Tòa án Ấn Độ hủy hôn một quân nhân bị cưỡng ép kết hôn bằng vũ lực
Hủ tục bắt cóc, cưỡng ép kết hôn nhức nhối ở bang Bihar, nơi những chàng trai bị bắt cóc làm chồng với các cô gái.
Cưỡng hôn vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi của Bihar.
Một tòa án Ấn Độ vừa hủy hôn của một quân nhân, người đã bị bắt cóc, ép buộc cưới một phụ nữ, nếu không sẽ bị bắn chết, ở bang Bihar cách đây 10 năm.
Theo đó, quân nhân là Ravi Kant, sống ở huyện Nawada của bang. Năm 2013, Kant đang cầu nguyện tại một ngôi đền thì bị các thành viên trong một gia đình, bắt cóc mang về nhà để cưỡng ép kết hôn với một cô gái trong gia đình của họ.
Bắt cóc cưỡng ép kết hôn - một hủ tục, theo tiếng Bihar gọi là pakadua byah, vẫn phổ biến ở Bihar, nơi những thanh niên đủ tiêu chuẩn bắt cóc, sẽ bị bắt cóc và buộc phải kết hôn với một cô gái trong gia đình không có khả năng mua sắm của hồi môn đắt tiền.
Tục lệ của hồi môn đã bị cấm ở Ấn Độ, nhưng vẫn còn phổ biến ở một số khu vực của Bihar. Nhiều đám cưới bất thành vì áp lực xã hội, vì gia đình cô dâu phải chi khoản tiền lớn để đáp ứng các nhu cầu của gia đình chú rể. Của hồi môn dùng để chỉ những món quà mà cha mẹ tặng để giúp con gái đảm bảo hơn về tài chính trong cuộc hôn nhân của mình. Tuy nhiên, hiện nay các chuyên gia nhận thấy nhiều gia đình đang chuyển sang vàng, ô tô, bất động sản hoặc các tài sản giá trị khác cho gia đình chú rể như một điều kiện của hôn lễ.
Kant đã bị cưỡng ép tổ chức hôn lễ, nhưng anh đã bỏ trốn khỏi gia đình "cô dâu", tiếp tục làm nhiệm vụ của mình ở bang Jammu và Kashmir. Sau đó, anh đã đến Tòa án Gia đình yêu cầu hủy hôn, nhưng đã bị tòa án bác bỏ. Rồi anh kháng cáo lên Tòa án Tối cao Patna, ngày 10/11 mới đây tòa án này đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Gia đình và thông qua một sắc lệnh có lợi cho anh.
Tòa án Tối cao nhấn mạnh, không phải tất cả lễ nghi trong đám cưới của người Hindu đều được thực hiện. Vì vậy cưỡng hôn ép cưới kiểu này là không hợp lệ.
Được biết, nạn bắt cóc chú rể để cưỡng hôn ép cưới tồi tệ nhất diễn ra sau cuộc khủng hoảng nông nghiệp vào những năm 1980 ở Ấn Độ. Lúc đó, trai tráng nông thôn được học hành tử tế, có một công việc tốt và trở thành những người chồng đắt giá. Trong khi đó, nhiều nhà gái không có khả năng mua sắm của hồi môn cho cô dâu nên đã bắt cóc chú rể và ép cưới.