Tòa án Công lý quốc tế mở phiên điều trần về 'cáo buộc diệt chủng' tại Gaza
Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) sẽ mở các phiên điều trần ngày 11/1, theo đơn cáo buộc từ Nam Phi rằng cuộc chiến của Israel với Hamas dẫn đến hành động diệt chủng đối với người Palestine, một tuyên bố mà Israel cực lực phủ nhận.
Nam Phi ban đầu yêu cầu ICJ ra lệnh đình chỉ ngay lập tức cuộc tấn công quân sự của Israel ở Dải Gaza.
Mặc dù thường coi các tòa án của Liên hợp quốc và quốc tế là không công bằng và thiên vị, Israel đã cử một đội pháp lý mạnh mẽ để biện hộ cho hoạt động quân sự của mình, được phát động sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas.
Trong một tuyên bố sau khi vụ kiện được đệ trình vào cuối năm ngoái, Cơ quan ngoại giao chính quyền Palestine đã kêu gọi tòa án “ngay lập tức hành động để bảo vệ người dân Palestine và kêu gọi Israel ngừng tấn công dữ dội vào người dân Palestine, để bảo đảm giải quyết theo pháp luật khách quan.”
Hai ngày điều trần sơ bộ sẽ bắt đầu với việc các luật sư của Nam Phi giải thích lý do tại sao nước này cáo buộc Israel về “những hành động và thiếu sót” mang tính chất “diệt chủng” trong cuộc chiến ở Gaza và tại sao họ lại kêu gọi tòa án ban hành lệnh tạm thời ngừng ngay lập tức các hành động quân sự của Israel. Có thể mất đến vài tuần để đi đến quyết định cuối cùng.
Theo Cơ quan y tế ở Gaza, cuộc tấn công của Israel đã giết chết hơn 23.200 người Palestine, trong đó, khoảng 2/3 là phụ nữ và trẻ em.
Trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023, chiến binh Hamas đã xông vào một số cộng đồng ở Israel và giết chết khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường.
Tòa án Công lý quốc tế, nơi giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, chưa bao giờ phán xét một quốc gia phải chịu trách nhiệm về tội diệt chủng. Lần gần nhất tòa án này đưa ra quyết định tương tự là vào năm 2007 khi ra phán quyết rằng Serbia “vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn nạn diệt chủng” trong vụ thảm sát vào tháng 7/1995 bởi lực lượng người Serb ở Bosnia đối với hơn 8.000 đàn ông và bé trai Hồi giáo ở vùng đất Srebrenica của Bosnia.
Trong tài liệu chi tiết dài 84 trang khởi động vụ án, Nam Phi lập luận rằng hành động của Israel đã thể hiện ý định đó.
Israel đáp lại rằng nước này hoạt động theo luật pháp quốc tế và chỉ tập trung các hành động quân sự chống lại Hamas. Họ nói rằng người dân Gaza không phải là kẻ thù và họ sẽ thực hiện các bước để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường và cho phép viện trợ nhân đạo vào lãnh thổ.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Israel gọi vụ kiện của Nam Phi là “sự lợi dụng hèn hạ và khinh thường” đối với tòa án.
Vụ án dựa trên “Công ước về diệt chủng” được soạn thảo vào năm 1948 sau Thế chiến thứ hai và vụ sát hại 6 triệu người Do Thái trong thời kỳ đen tối này. Cả Israel và Nam Phi đều là các bên ký kết.
Trong hồ sơ bằng văn bản của mình, Nam Phi cho biết họ muốn tòa án “xác định trách nhiệm của Israel đối với việc vi phạm “Công ước về diệt chủng”, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước luật pháp quốc tế về những hành vi vi phạm đó” và “đảm bảo sự bảo vệ khẩn cấp và đầy đủ nhất có thể cho những người Palestine ở Gaza”.