Tòa án Hàn Quốc giữ nguyên phán quyết liên quan lao động cưỡng bức thời chiến
Tòa án Cấp cao Seoul và Tòa án Cấp cao Gwangju đã yêu cầu Công ty Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries phải bồi thường từ 100-150 triệu won cho mỗi nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến.
Ngày 21/12, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã quyết định giữ nguyên phán quyết của các tòa án cấp dưới, trong đó yêu cầu hai Tập đoàn Công nghiệp của Nhật Bản là Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries Ltd., phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời chiến.
Theo hãng Yonhap, tòa trên không thay đổi phán quyết hồi tháng 6/2019 của Tòa án Cấp cao Seoul và một phán quyết của Tòa án Cấp cao Gwangju hồi tháng 12/2018.
Hai phán quyết này lần lượt yêu cầu Công ty Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries phải bồi thường từ 100 triệu won (76.700 USD) đến 150 triệu won cho mỗi nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến.
Hồi năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết tương tự đối với hai các Tập đoàn Công nghiệp nặng Nippon Steel và Mitsubishi của Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc chưa đưa ra bình luận về quyết định này.
Theo hãng tin Kyodo, phản ứng trước thông tin trên, cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho rằng việc Tòa án Tối cao Hàn Quốc giữ nguyên phán quyết trước đó đã vi phạm một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mà hai nước ký hồi năm 1965. Ông Hayashi nhấn mạnh động thái này là đáng tiếc và "không thể chấp nhận được."
Trong khi đó, hai công ty Nhật Bản liên quan đến vụ việc là Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries cũng cho rằng phán quyết của tòa án Hàn Quốc là đáng tiếc và nhấn mạnh rằng vấn đề lao động cưỡng bức Hàn Quốc đã được giải quyết thông qua hiệp định bình thường hóa quan hệ 1965 ký giữa hai nước.
Tòa án Tối cao Hàn Quốc đưa ra phán quyết trên trong bối cảnh quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu cải thiện thời gian qua.
Nhằm hâm nóng mối quan hệ song phương, hồi tháng 3, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thông báo kế hoạch dùng quỹ do tư nhân tài trợ để bồi thường nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến, thay vì yêu cầu từ công ty Nhật Bản./.