Tòa án Hiến pháp Indonesia triệu Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện

Tòa án Hiến pháp Indonesia triệu tập Tổng thống Joko Widodo và Chủ tịch Hạ viện Puan Maharani điều trần với tư cách nhân chứng về kiến nghị xem xét lại mệnh lệnh hành pháp ứng phó đại dịch CIVID-19.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại một sự kiện trên đảo Bali. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại một sự kiện trên đảo Bali. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tòa án Hiến pháp Indonesia đã triệu tập Tổng thống Joko Widodo và Chủ tịch Hạ viện Puan Maharani ra điều trần với tư cách nhân chứng về kiến nghị xem xét lại mệnh lệnh hành pháp liên quan đến việc ứng phó với đại dịch COVID-19.

Phiên điều trần - dự kiến diễn ra vào ngày 20/5 tới - sẽ lấy lời chứng của hai nhà lãnh đạo đại diện nhánh hành pháp và lập pháp liên quan đến Sắc luật số 1/2020 cho phép chính phủ có thẩm quyền phân bổ ngân sách khẩn cấp chống dịch.

Hạ viện Indonesia đã thông qua Sắc luật này tại phiên toàn thể hôm 12/5.

Phiên điều trần được triệu tập theo yêu cầu của một nhóm hoạt động chống tham nhũng, trong đó cho rằng Điều 27 của Sắc luật trên vi phạm Hiến pháp năm 1945 và một số đạo luật hiện hành, bao gồm Luật năm 2003 về tài chính nhà nước và Luật năm 2006 về Cơ quan Kiểm toán Tối cao.

Sắc luật số 1/2020 cho phép chính phủ nâng thâm hụt ngân sách nhà nước vượt mức giới hạn pháp lý là 3% GDP và phân bổ chi tiêu cho các chương trình ứng phó với dịch COVID-19, đồng thời bảo vệ các quan chức liên quan khỏi tất cả các hành động pháp lý.

Điều phối viên Cộng đồng chống tham nhũng Indonesia (MAKI), ông Boyamin Saiman bày tỏ hy vọng Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện sẽ có mặt tại phiên điều trần để giải thích về sự cần thiết ban hành Sắc luật, trong đó trao quyền miễn trừ cho các quan chức bị bắt quả tang chiếm dụng tiền nhà nước.

MAKI đã mời 4 chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và pháp lý ra làm chứng trong phiên điều trần sắp tới.

Bộ trưởng Luật pháp và Nhân quyền Yasonna Laoly phủ nhận rằng Sắc luật trên trao quyền miễn trừ cho các quan chức tham nhũng, đồng thời giải thích rằng Điều 27 chỉ nhằm đảm bảo rằng chính phủ có thể đưa ra quyết định nhanh chóng nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng y tế.

Hiện, Chính phủ Indonesia đang tìm cách giải ngân 405.100 tỷ rupiah (24,6 tỷ USD) cho các biện pháp chống COVID-19, trong đó hầu hết sẽ được phân bổ nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế thay vì cho lĩnh vực chăm sóc y tế./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/toa-an-hien-phap-indonesia-trieu-tong-thong-va-chu-tich-ha-vien/640655.vnp