Tòa án nhân dân huyện Kế Sách tự hào đón nhận cờ thi đua của Chính phủ
Tòa án nhân dân (TAND) huyện Kế Sách là đơn vị đầu tiên của hệ thống hai cấp tòa án trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được Chính phủ tặng cờ xuất sắc trong phong trào thi đua. Bởi tập thể đơn vị luôn đoàn kết, cố gắng tìm tòi, nghiên cứu để có những cách làm hay, đề tài sáng kiến, áp dụng có hiệu quả trong giải quyết án.
Nhiều năm liền, TAND huyện Kế Sách có lượng án thụ lý cao nhất, nhì tỉnh. Tính chất vụ việc thì ngày càng phức tạp nhưng chất lượng giải quyết lại không ngừng được nâng lên. Riêng 2021 là năm đầy khó khăn, thách thức, đơn vị đã linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, với quyết tâm chính trị cao và vận dụng sáng tạo, có hiệu quả một số giải pháp để khắc phục khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, đơn vị thụ lý 1.069 vụ việc và đã giải quyết 996 vụ việc, đạt tỷ lệ 93,17% (tăng 0,17%, vượt chỉ tiêu); bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 10,3 vụ/tháng. Việc hòa giải, đối thoại thành tại tòa án đạt tỷ lệ 66,6% (vượt chỉ tiêu). Quan trọng, không có án quá thời hạn chuẩn bị xét xử, án tạm đình chỉ không đúng quy định pháp luật; số bản án, quyết định đăng trên cổng thông tin điện tử 564 vụ (đạt 100%).
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ và vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ là cả một quá trình phấn đấu lâu dài và sự nỗ lực cố gắng không ngừng của từng cá nhân, tập thể đơn vị. Đồng chí Thạch Viết Tâm - Chánh án TAND huyện Kế Sách chia sẻ: “Với vai trò lãnh đạo, chúng tôi luôn tạo được môi trường làm việc thân thiện, thoải mái, tập thể đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và khơi gợi niềm hăng say lao động, sự yêu nghề với không khí thi đua sôi nổi, công bằng trong đơn vị. Đây là vấn đề quyết định sự thành công hay thất bại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giúp quản lý, điều hành dễ dàng; tập thể gắn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trên tinh thần cùng phát triển”. Lãnh đạo nêu cao vai trò trách nhiệm, giải quyết kịp thời những khó khăn của đơn vị. Hàng tháng, đều có khen thưởng, biểu dương công chức, người lao động có những sáng kiến, thành tích nổi trội và nhắc nhở, xử lý những cá nhân chậm tiến bộ, vi phạm các quy chế cơ quan trên nguyên tắc “Phê bình công việc, không phê bình người”.
Mặt khác, lãnh đạo TAND huyện Kế Sách thận trọng, xem xét, nghiên cứu giao việc và phân công án cho phù hợp, đồng đều, đúng khả năng, sở trường của từng thẩm phán, cán bộ. Đồng thời, quan tâm cân đối về mặt thời gian giao án cho các thẩm phán để đảm bảo tiến độ giải quyết, không dồn nhiều đơn khởi kiện mới; phân công làm sao để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp thẩm phán hoàn thành tốt nhiệm vụ, tránh tư tưởng “bề trên” và làm khó nhau. Nửa tháng hoặc đột xuất, đơn vị tổ chức cuộc họp để nghe các thẩm phán báo cáo tiến độ giải quyết vụ án, những khó khăn, vướng mắc để tập thể đưa ra ý kiến đóng góp hướng xử lý, các công việc cần phải làm. Sau đó, yêu cầu thẩm phán cam kết thực hiện công việc này trong bao lâu thì đưa vụ án ra xét xử. Ban lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tuyệt đối không để cho thẩm phán hứa mà không làm, làm không đến nơi đến chốn và trước khi xét xử phải báo cáo án.
Trong công tác xét xử, cần có sự phối hợp tốt với Đoàn Hội thẩm nhân dân, các cơ quan, người tiến hành tố tụng và đơn vị đã chủ động, có quy chế phối hợp chặt chẽ. Đồng thời, phối hợp với UBND cấp huyện, xã, ban nhân dân các ấp trong việc xác minh, thu thập chứng cứ và tống đạt. Thực tế, công tác tống đạt rất quan trọng, vì dù thẩm phán có lên kế hoạch giải quyết án tốt như thế nào đi nữa nhưng đương sự không có mặt thì công việc không trôi chảy, án sẽ tồn đọng. Đơn vị tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của TAND tỉnh, của Thường trực Huyện ủy; sự hỗ trợ, giúp đỡ của UBND huyện trong việc tạo kinh phí hoạt động hàng năm cho Đoàn Hội thẩm nhân dân và việc xác nhận về trình tự, thủ tục, căn cứ pháp lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến các hoạt động, công tác tòa án cũng không ngoại lệ. Thay vì trông chờ dịch bệnh sớm dập tắt thì TAND huyện Kế Sách đã linh hoạt, sáng tạo thích ứng với tình hình dịch bệnh trong giải quyết án. Việc xử lý đơn khởi kiện qua đường bưu điện nhưng đơn vị chủ trương hướng dẫn bằng văn bản, văn phong cụ thể, rõ ràng, chi tiết, phù hợp với trình độ, sự hiểu biết của người dân. Kết hợp công tác tống đạt với hướng dẫn đương sự thực hiện quyền yêu cầu tòa án giải quyết vắng mặt. Đơn vị làm công văn gửi chủ tịch UBND, trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã yêu cầu hỗ trợ, tạo điều kiện cho người được tòa án triệu tập, người tống đạt đi qua chốt khi họ đủ điều kiện về phòng, chống dịch (giấy triệu tập ghi thêm ở đoạn cuối: người được tòa án triệu tập phải xuất trình giấy này tại các chốt kiểm dịch). Đối với những vụ án không phức tạp, tòa án ra cùng lúc thông báo thụ lý vụ án và thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải… Việc này giúp tòa án rút ngắn được thời gian giải quyết vụ án.
Không những vậy, đơn vị còn chủ động ra văn bản yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ để nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự. Chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan hữu quan bằng văn bản. Đặc biệt, trong công tác hòa giải, xét xử đảm bảo thực hiện thông điệp 5K và đảm bảo các thủ tục tố tụng được thực hiện liên tục, không gián đoạn. Tăng cường cường độ thực hiện các thủ tục tố tụng, triệu tập đương sự đến giải quyết khi chuyển qua vùng xanh, vàng nên chỉ trong 3 tháng cuối năm 2021, đơn vị giải quyết được 228 vụ việc.
TAND huyện Kế Sách vốn là một trong những đơn vị có lượng án thụ lý cao nhất tỉnh, cộng thêm dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết án nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm và những giải pháp hiệu quả đã giúp đơn vị có được kết quả cao, dẫn đầu công tác xét xử trong hai cấp. Cờ thi đua của Chính phủ chính là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể TAND huyện Kế Sách.