Tòa án nhân dân tăng cường mở phiên tòa lưu động để giáo dục, phòng ngừa, răn đe vi phạm pháp luật
Chiều nay 5/7, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị giao ban công tác nội chính, sơ kết công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Ly Kiều Vân dự hội nghị.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án, vụ việc, nhất là vụ án, vụ việc có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, kéo dài ngày càng chặt chẽ. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được nâng lên, không để xảy ra án oan, án sai, không hình sự hóa các quan hệ dân sự. Công tác chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan tư pháp tiếp tục được quan tâm, phát huy hiệu quả. Đội ngũ giám định viên trong cơ quan chuyên môn của tỉnh được kiện toàn.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh xác định 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc cơ quan tư pháp tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc còn tồn đọng, kéo dài gây bức xúc.
Vụ án, vụ việc có quan điểm giải quyết khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và vụ án, vụ việc Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Đồng thời thực hiện giải pháp hạn chế việc tạm giữ, tạm giam trong vụ án kinh tế, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, không để xảy ra trường hợp án oan, sai, bỏ lọt tội phạm, hạn chế thấp nhất án bị hủy, sửa, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung do nguyên nhân chủ quan cũng như phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, thực hiện công khai bản án theo quy định.
Báo cáo của Ban Nội chính Tỉnh ủy nêu rõ, trong quý II phần lớn tội phạm về trật tự xã hội có chiều hướng giảm so với quý I/2024, theo đó toàn tỉnh xảy ra 98 vụ phạm pháp hình sự, bị thương 16 người, thiệt hại tài sản khoảng 3,7 tỉ đồng, cơ quan chức năng đã điều tra, làm rõ 84 vụ, bắt xử lý 174 đối tượng.
Tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là tuyến biên giới, đã hình thành các tuyến vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào qua địa bàn Quảng Trị vào nội địa nước ta, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ, đường dây ma túy với số lượng tang vật lớn, thu giữ hơn 35 kg hêroin, 99,5 kg và 139.214 viên ma túy tổng hợp.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng thực hiện chủ trương, nghị quyết của trung ương, của tỉnh về lĩnh vực nội chính và cải cách tư pháp; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công an, quân sự, biên phòng nắm tình hình, triển khai thực hiện tốt giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong quý III/2024, Ban Nội chính Tỉnh ủy xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nhất là tội phạm ma túy, triệt xóa tụ điểm sử dụng ma túy phức tạp cũng như thực hiện cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm về kinh tế, buôn lậu, quyết liệt đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trên không gian mạng...
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành giáo dục quan tâm hơn nữa công tác đào tạo không để xảy ra tình trạng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh vùng khó khăn bỏ học sớm, vì nếu như vậy tội phạm sẽ lôi kéo các em phạm tội, nhất là tội phạm về ma túy và tệ nạn xã hội.
Tòa án nhân dân các cấp tăng cường mở các phiên tòa lưu động, qua đó tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phòng ngừa, răn đe vi phạm pháp luật trong cán bộ và người dân.
Cơ quan chức năng kịp thời công khai kết luận thanh tra các vụ việc, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai để người dân giám sát, tạo sự đồng thuận trong xã hội. UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng bộ dữ liệu về đất đai, qua đó tăng cường công tác quản lý nhằm khai thác tốt tài nguyên đất để phát triển KT-XH.