Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét đơn khẩn cấp của TikTok vụ thoái vốn
Các thẩm phán của Tòa án tối cao Mỹ sẽ xem xét lập luận từ phía TikTok về việc tạm thời chặn đạo luật buộc công ty mẹ là ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ trước ngày 19-1-2025.
Tòa án Tối cao Mỹ hôm 18-12 đã ra quyết định sẽ xem xét đơn đề nghị khẩn cấp của TikTok và ByteDance - công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc - về vấn đề tạm thời chặn đạo luật buộc công ty này phải thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ trước ngày 19-1-2025 hoặc bị cấm, theo hãng tin Reuters.
Theo quyết định, các thẩm phán của Tòa án tối cao sẽ xem xét lập luận từ phía TikTok về đạo luật vào ngày 10-1-2025, trễ hơn so với mong muốn trước đó của TikTok rằng Tòa án Tối cao Mỹ sẽ đưa ra quyết định trước ngày 6-1-2025.
Mặc dù vậy, phía TikTok cùng ngày cho biết họ rất vui khi Tòa án tối cao Mỹ đã chấp nhận thụ lý đơn kháng cáo về vấn đề này.
"Chúng tôi tin rằng tòa án sẽ thấy lệnh cấm TikTok là vi hiến để hơn 170 triệu người Mỹ trên nền tảng của chúng tôi có thể tiếp tục thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình" - Reuters dẫn phát ngôn từ công ty TikTok.
TikTok cũng cho biết rằng việc đóng cửa dù chỉ trong một tháng cũng sẽ khiến công ty mạng xã hội này mất khoảng một phần ba lượng người dùng tại Mỹ. Lệnh cấm cũng sẽ làm suy yếu khả năng thu hút các nhà quảng cáo, tuyển dụng người sáng tạo nội dung và nhân viên tài năng ở Mỹ của TikTok.
Trong khi đó, Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện - ông Mitch McConnell đã đệ trình một bản tóm tắt lên Tòa án Tối cao, thúc giục tòa án bác bỏ bất kỳ sự chậm trễ nào đối với việc thực thi đạo luật.
Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi những ứng dụng bị kiểm soát bởi đối thủ nước ngoài (PAFACA) đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật vào tháng 4 năm nay. Đạo luật yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ trước ngày 19-1-2025, nếu không TikTok sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ.
Ngày 16-12, TikTok đã yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ tạm thời chặn đạo luật này, nhấn mạnh rằng nếu người dùng Mỹ "dù đã được cảnh báo đầy đủ về những rủi ro được cho là liên quan đến việc thao túng nội dung một cách 'bí mật' song vẫn chọn tiếp tục xem nội dung trên TikTok với nhận thức rõ ràng, thì Tu chính án thứ nhất trao cho họ quyền lựa chọn đó mà không bị chính phủ kiểm duyệt".