Tòa buộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phải thực hiện bảo lãnh 144 tỷ đồng
Nếu CTCP Cửu Long không thanh toán cho Vietinbank số tiền 148 tỷ đồng theo phán quyết của Tòa án, VDB sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với giá trị 144 tỷ đồng.
Nhà máy triệu “đô” hoạt động không hiệu quả
Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã thông tin về vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank và CTCP Cửu Long, Vietinbank đã cho CTCP Cửu Long vay theo 2 hợp đồng tín dụng. Hợp đồng thứ nhất cho vay 93,8 tỷ đồng để đầu tư nhà máy chế biến gỗ, thời hạn 9 năm, lãi suất điều chỉnh mỗi tháng 1 lần.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là bên đứng ra bảo lãnh với giá trị bao gồm nợ gốc và nợ lãi nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của NHNN công bố trong từng thời kỳ.
Hợp đồng thứ hai, có hạn mức là 63,1 tỷ đồng, để bổ sung vốn lưu động, cho vay bằng USD. Tài sản bảo đảm gồm nhà ở quận Ba Đình, toàn bộ tài sản hình thành trên diện tích 39.700 m2 tại tỉnh Hải Dương; tài sản gắn liền với đất và tài sản sẽ hình thành trong tương lai trên diện tích đất 10.879 m2 tại tỉnh Hải Dương, quyền đòi nợ của CTCP Cửu Long đối với Tổng CTCP Điện lực TP. Hà Nội theo hợp đồng xây lắp nhà điều hành sản xuất Chi nhánh điện Mê Linh...
Do tình hình sản xuất kinh doanh của nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu của CTCP Cửu Long gặp nhiều khó khăn, ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ 3 lần. Tuy nhiên, Công ty vẫn không trả được nợ. Theo tính toán của Vietinbank, đến tháng 4/2018, CTCP Cửu Long còn nợ 147,6 tỷ đồng và 2,7 triệu USD.
Theo đơn khởi kiện, Vietinbank đề nghị Tòa án buộc CTCP Cửu Long phải hoàn trả số tiền trên. Nếu CTCP Cửu Long không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, VDB phải thực hiện trách nhiệm bảo lãnh. Buộc Tổng CTCP Điện lực phải trả 3,8 tỷ đồng còn thiếu để Vietinbank thu hồi nợ. Vietinbank được quyền kê biên, bán các tài sản bảo đảm.
VDB trợ giúp doanh nghiệp bằng bảo lãnh
Tại tòa án, CTCP Cửu Long có giải trình vì sao lại sử dụng chứng thư bảo lãnh của VDB mà không trực tiếp vay nợ VDB. Theo đó, CTCP Cửu Long có làm hồ sơ vay vốn Vietinbank nhưng bị từ chối vì lý do với lãi suất tại thời điểm đó dự án không có hiệu quả.
Cũng tại thời điểm đó, Chính phủ có chính sách trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc bảo lãnh của VDB để được vay vốn trung và dài hạn.
Do CTCP Cửu Long là doanh nghiệp vừa và nhỏ có sản xuất hàng xuất khẩu nên thuộc đối tượng được hỗ trợ bảo lãnh vốn vay theo quy định của Chính phủ. VDB đã đứng ra bảo lãnh cho khoản vay 89,5 tỷ đồng theo hợp đồng bảo lãnh số 50 được ký kết giữa VDB và CTCP Cửu Long. Sau đó, VDB đã phát hành chứng thư số 03.
Quá trình vay vốn Vietinbank, Công ty Cửu Long luôn cố gắng thực hiện đúng nghĩa vụ, trả nợ đúng hạn và tổng số tiền đã trả là hơn 35 tỷ đồng tiền lãi, hơn 4 tỷ đồng nợ gốc. Tuy nhiên, do lãi suất quá cao ở mức 16 - 18,5%/năm, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn.
Quá trình giải quyết, doanh nghiệp rất mong được xử lý tài sản bảo đảm càng sớm càng tốt, vì càng để lâu thì lãi suất quá hạn lên tới 24 - 28%/năm, số tiền phải trả càng lớn.
Tài sản bảo đảm là nhà xưởng, máy móc thiết bị... hình thành từ vốn vay đã được thế chấp cho VDB theo hợp đồng bảo lãnh. VDB, Vietinbank và doanh nghiệp đã từng trao đổi về việc xử lý tài sản bảo đảm, nhưng không có phương án thống nhất. Bên Vietinbank yêu cầu VDB thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Đại diện VDB cho biết, quá trình giải quyết tại Tòa án, VDB nhiều lần yêu cầu Vietinbank đưa ra căn cứ, tài liệu để tính toán gốc lãi nhưng Vietibank không thực hiện. Qua hai cấp xét xử, đến tận phiên tòa phúc thẩm, Vietinbank mới cung cấp bảng tính lãi. Vụ việc kéo dài dẫn đến nợ lãi tăng lên và Nhà nước phải chịu.
Theo VDB, mức lãi suất Vietinbank áp dụng về sau này quá cao so với hợp đồng tín dụng làm vỡ dự án của doanh nghiệp. Hơn nữa, lãi suất theo hợp đồng tín dụng là 16 - 18,5%/năm, Vietinbank đòi VDB trả toàn bộ lãi này là không phù hợp với hợp đồng bảo lãnh.
“Chứng thư bảo lãnh của VDB thực hiện theo chính sách của Chính phủ và là chứng thư có điều kiện. Theo đó, lãi suất được quy định trong hợp đồng bảo lãnh là không quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành là 13,5%/năm”, đại diện VDB nói.
Mâu thuẫn xác định số liệu nợ
Về nợ gốc, hai bên thống nhất số liệu là 85 tỷ đồng, tổng nợ lãi theo phạm vi bảo lãnh là 84,7 tỷ đồng.
VDB cho rằng, phải trừ đi 35 tỷ đồng nợ lãi doanh nghiệp đã trả, do đó, nghĩa vụ của VDB chỉ còn 49 tỷ đồng nợ lãi.
Còn Vietinbank cho rằng, nghĩa vụ bảo lãnh VDB phát sinh từ thời điểm Vietinbank có văn bản yêu cầu VDB thực hiện nghĩa vụ - ngày 26/3/2012. Theo cách tính của Vietinbank, VDB còn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là 144 tỷ đồng.
Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp nhiều lần trình bày về sự khó khăn của doanh nghiệp vì lãi suất cao. Theo hợp đồng, lãi suất được điều chỉnh theo kỳ, nhưng khi điều chỉnh, Vietinbank không thông báo. Sự việc kéo dài nhiều năm dẫn đến số nợ lãi tăng lên, tương ứng với tăng nghĩa vụ của doanh nghiệp với VDB.
“Tài sản thì VDB cầm, nợ thì ở Vietinbank, khi có nợ quá hạn thì doanh nghiệp chúng tôi không có cửa làm ăn với doanh nghiệp khác, rất khó khăn”, đại diện Công ty Cửu Long nói.
Xem xét đến phạm vi bảo lãnh của VDB, Tòa án chấp nhận mức lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước công bố theo từng thời kỳ. Như vậy, nếu CTCP Cửu Long không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, phạm vi bảo lãnh VDB phải thực hiện là 144,3 tỷ đồng.
Tòa buộc CTCP Cửu Long phải trả cho Vietinbank số tiền 148,1 tỷ đồng và 2,7 triệu USD bao gồm cả nợ gốc và nợ lãi.
Vietinbank được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ nếu CTCP Cửu Long không trả nợ.
Riêng đối với Tổng CTCP Điện Lực TP. Hà Nội, đơn vị này cho rằng đã thực hiện xong hợp đồng với CTCP Cửu Long và không liên quan việc ngân hàng đòi nợ doanh nghiệp. Vietinbank cũng rút yêu cầu khởi kiện đối với Tổng CTCP Điện lực Hà Nội, do đó, Tòa đình chỉ giải quyết nội dung này.