Tọa đàm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay

Trong khuôn khổ 'Hội báo toàn quốc 2023', chiều 17/3, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm 'Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay'.

 Quang cảnh tọa đàm “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay”.

Quang cảnh tọa đàm “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí là một đơn vị của Hội được trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này. Từ khi thành lập, Trung tâm đã luôn không ngừng nỗ lực vươn lên trong các hoạt động, thực hiện ngày càng tốt hơn những nhiệm vụ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam giao phó.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

 Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

"Do vậy, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Những khóa học cũng cần phải đa dạng hơn với nhiều chủ đề khác nhau, từ kỹ năng cho đến thực hành, dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Không chỉ phóng viên trẻ mà cả lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí; thậm chí, cần phải đào tạo nhiều lần, chứ không phải một, hai lần... Tọa đàm ngày hôm nay là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực để nâng cao công tác đào tạo và bồi dưỡng báo chí cho các hội viên – nhà báo trong thời đại chuyển đổi số", phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tính từ năm 2020 đến hết năm 2022, trung tâm đã tổ chức được 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo; trong đó có 254 lớp học theo ngân sách nhà nước (chiếm 76%); 54 lớp học theo yêu cầu của các Hội địa phương, các cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương (chiếm 16%); và 25 lớp học do tổ chức nước ngoài tài trợ (chiếm 8%).

Theo bà Vân, thời gian qua, Trung tâm đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho các lớp học trực tuyến tại các địa bàn bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức lớp học trực tiếp tại các địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu học tập của các hội viên, nhà báo trên cả nước.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) trình bày báo cáo.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) trình bày báo cáo.

Trong năm 2023, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên trên tất cả các lĩnh vực. Tăng cường chất lượng và hiệu quả các khóa học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo và các cán bộ quản lý của các cơ quan báo chí.

“Cùng với việc tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng về kỹ năng làm báo hiện đại cho các loại hình báo chí, Trung tâm sẽ chú trọng việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo Việt Nam bằng cách lồng ghép các cuộc trao đổi đạo đức nghiệp vụ trong các chương trình bồi dưỡng mang tính thực tiễn cao”, bà Nguyễn Thị Hải Vân cho hay.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đánh giá, các khóa bồi dưỡng của Trung tâm trong thời gian qua có một số điểm mới, như: Đã bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới như chuyển đổi số, sản xuất long-form (bài chuyên đề) cho báo mạng, sản xuất podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, làm báo bằng facebook, ngăn chặn tin tức giả. Chú trọng vào việc bồi dưỡng kỹ năng cho các nhà báo về mảng khoa học, truyền thông về giới, xây dựng Đảng, tiếp cận và khai thác thông tin trong thời đại kỹ thuật số. Nội dung về chính trị, đạo đức người làm báo cũng được lồng ghép trong các bài giảng nhằm giúp cho các nhà báo luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá về các khóa bồi dưỡng của Trung tâm tổ chức, những điểm mạnh và những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đồng thời, đề xuất những kỹ năng cần thiết mà các cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay.

Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) góp ý về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi):

(Nguồn: THQH.)

Nguyễn Hải

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/toa-dam-dao-tao-boi-duong-nghiep-vu-bao-chi-theo-nhu-cau-hien-nay-1819198.html