Tọa đàm 'Đào tạo nghề lĩnh vực cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng sản xuất xanh bền vững'
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện Thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE) tổ chức Tọa đàm 'Đào tạo nghề lĩnh vực cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng sản xuất xanh bền vững'.
Ngành cơ khí đóng vai trò quan trọng
Tọa đàm nhằm hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc tăng cường đào tạo nghề trong lĩnh vực cơ khí và tự động hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 và xu hướng sản xuất xanh.
Tại Tọa đàm, các diễn giả trình bày nội dung nâng cao kỹ năng và nhận thức xanh trong lĩnh vực đào tạo nghề; thực trạng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực ngành cơ khí - tự động hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn quốc tế; vai trò nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch HAMEE Trần Hoài Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế tuần hoàn trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 là giải pháp xanh quan trọng cho phát triển bền vững giai đoạn 2020-2030. Giải pháp này giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam thông qua việc chuyển đổi mô hình sản xuất và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và xuất khẩu xanh. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.
Như một phần không thể thiếu của nền kinh tế xanh, tự động hóa trong ngành cơ khí đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa sản xuất, giảm thiểu lãng phí nguyên liệu và năng lượng, đồng thời bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự bền vững. Theo khảo sát mới nhất của tổ chức Frost & Sullivan, thị trường tự động hóa tại Việt Nam hiện đạt khoảng 184,5 triệu USD và dự kiến sẽ tăng nhanh trong những năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch HAMEE Trần Hoài Nam cho biết, HAMEE hiện đang triển khai dự án Made by Vietnam nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá cho các doanh nghiệp Việt Nam với các sản phẩm công nghiệp Việt trên thị trường nội địa cũng như kết nối đến thị trường quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại.
Giá trị thị trường sẽ tăng nhanh trong vài năm tới
Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ (Trưởng khoa Cơ Khí chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thị trường tự động hóa của Việt Nam hiện nay vẫn còn khiêm tốn, tuy nhiên, giá trị của thị trường sẽ ngày càng tăng nhanh trong vài năm tới do Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy quá trình tự động hóa.
Bên cạnh đó, theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý I/2024, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có nhu cầu nhân lực cao ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu, chiếm hơn 78% tổng nhu cầu nhân lực của toàn Thành phố và tăng 13,06% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 21,96% tổng nhu cầu nhân lực ở các ngành gồm điện tử - công nghệ thông tin; cơ khí; chế biến lương thực thực phẩm; hóa dược, cao su.
Theo PGS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ, hiện nay, lực lượng lao động qua đào tạo cho khu vực công nghiệp còn thiếu, đặc biệt là đối với lĩnh vực cơ khí - tự động hóa trong thời đại công nghiệp 4.0, lĩnh vực xương sống cho mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 của Việt Nam. Trong đó, nhân sự công nghệ cao đặc biệt lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo thì các dự báo cho thấy hiện chúng ta đang thiếu rất nhiều. Đó là thách thức lớn cho cung ứng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ chuyển đổi cơ cấu trong thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Ông Trương Nguyễn Lân Vũ nhấn mạnh, điều quan trọng trong thời gian tới là cần định hướng đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Hơn nữa, rất cần thực thi một loạt các giải pháp cải tiến mang tính chiến lược tổng thể nhằm đào tạo được nguồn nhân lực công nghệ cao cho lĩnh vực quan trọng này.
Còn theo TS. Santiago Velasquez (Đại học RMIT), các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa nói riêng và công nghiệp chế biến nói chung quan tâm đến việc giảm thiểu rủi ro. Do đó, họ xem trọng những nhân lực kỹ năng có thể giúp nâng cao năng suất, tính minh bạch và an toàn tài chính.
Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Tổng Giám đốc HR2B lại cho rằng, điều quan trọng là lực lượng lao động phải có bộ kỹ năng phù hợp để thu hút vốn FDI. Càng được đảm bảo rằng rằng lực lượng lao động được trang bị đầy đủ các kỹ năng phù hợp với chiến lược kinh doanh, các nhà đầu tư sẽ càng tự tin hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Dũng (Giám đốc Bộ phận cố vấn của Digiwin Software Vietnam), bước nền tảng trước tiên là cần tái cấu trúc và tối ưu quy trình vận hành doanh nghiệp, minh bạch quá trình sản xuất. Tiếp đến là bước chuyển số hóa, thông minh hóa bằng cách tích hợp thông tin sản xuất, tài chính, tích hợp máy móc thiết bị. Và bước sau cùng là cộng tác liền mạch với chuỗi cung ứng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) trong hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực nội tại và cải thiện năng suất ở hiện trường sản xuất cũng là cả thách thức cho các doanh nghiệp nội địa ở lĩnh vực cơ khí - tự động hóa để đáp ứng nhu cầu “chuyển đổi kép” (chuyển đổi số để chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ và dữ liệu).