Tọa đàm đầu tiên về chính sách cho doanh nghiệp dân tộc
Sáng 9-1, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tọa đàm 'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam'. Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, đây là tọa đàm đầu tiên về chủ đề xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ đạo phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; việc xây dựng pháp luật phải phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát, giải quyết vấn đề thực tiễn; thể chế hóa kịp thời những chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Đồng chí Thủ tướng Chính phủ cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác hoàn thiện thể chế, trong đó đặt ra yêu cầu trong năm 2025 cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, coi đây là "đột phá của đột phá"; tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn"; đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp đã tích cực rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan. Trong đó vấn đề về khuyến khích đổi mới, sáng tạo, huy động, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cần thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hiện nay, khung pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân đã tương đối đồng bộ. Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách là rào cản cho sự phát triển. Qua đó đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41-NQ/TW chưa được cụ thể hóa.
“Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam" là tọa đàm đầu tiên về chủ đề này”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nói.
Tại tọa đàm, các diễn giả là các nhà nghiên cứu, chuyên gia, luật sư, đại diện các doanh nghiệp đã tập trung làm nổi bật sự cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật phục vụ hình thành và phát triển các doanh nghiệp dân tộc; đề xuất chính sách cụ thể về doanh nghiệp dân tộc; về nghĩa vụ của doanh nghiệp dân tộc với quốc gia và vai trò của doanh nghiệp dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.