Tọa đàm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học, nghệ thuật
Sáng 2/3, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học, nghệ thuật suốt 80 năm qua.
Có 31 tham luận được gửi về Ban tổ chức và hơn 10 tham luận trình bày tại tọa đàm tập trung vào vai trò của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 (Đề cương) đối với sự hình thành, phát triển của các loại hình văn học, nghệ thuật trong các giai đoạn lịch sử, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, xây dựng chiến lược xứng tầm, kiến tạo sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa các dân tộc.
Trong phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, Đề cương văn hóa đã tạo nền tảng lý luận quan trọng hình thành các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng. Dưới ánh sáng của Đề cương, tọa đàm góp phần nhìn lại chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà qua những thành tựu đã đạt được, những điều còn hạn chế trong việc thực hiện tư tưởng chủ đạo, cốt lõi của Đề cương là “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” .
Với vai trò là một bộ phận tinh tế, cốt lõi của văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ-trí thức cần không ngừng vượt lên bối cảnh quốc tế và quốc gia đang biến chuyển mau lẹ, phức tạp với những đòi hỏi, thách thức mới để phát huy những giá trị, ý nghĩa của Đề cương, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Trình bày tham luận, Nghệ sĩ Nhân dân, họa sĩ Vương Duy Biên nhấn mạnh, Đề cương được soạn ra từ năm 1943 nhưng vẫn nguyên giá trị thời sự cho đến hôm nay. Trong tình hình hiện tại, cần có sự quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về văn học, nghệ thuật nói riêng và về văn hóa nói chung; có sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ những cơ quan làm văn hóa, quản lý văn hóa và những cơ quan cấp kinh phí; những thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cần được loại bỏ.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm đề xuất một số giải pháp để văn hóa nghệ thuật có những đóng góp tương xứng hơn với kỳ vọng của Đảng và nhân dân trong nỗ lực chung xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ nhất, coi sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa là vấn đề cấp thiết.
Thứ hai, chú trọng đến giải pháp giáo dục. Đây là giải pháp hữu hiệu, bền vững nhất để tạo ảnh hưởng, tác động tích cực lên hệ giá trị, nền tảng đạo đức, văn hóa của con người.
Thứ ba, chăm lo hơn nữa cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong điều kiện mới.
Nhận định về những tồn tại đang phổ biến trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc (Thừa Thiên Huế) cho rằng, có hai vấn đề lớn đáng quan tâm đó là: Nhận thức, trách nhiệm phát triển văn học nghệ thuật chưa thật đầy đủ; chưa thấy được hết vai trò, vị trí, tầm quan trọng; việc chăm lo xây dựng và phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật có dấu hiệu ít quan tâm hoặc có tư tưởng “khoán trắng”.
Bên cạnh đó, mặt bằng dân trí không đồng đều, văn hóa đọc giảm sút, đối tượng thưởng thức văn học nghệ thuật chưa nhiều và chưa được hướng dẫn đã ảnh hưởng tới việc nhân rộng hoạt động văn học nghệ thuật trong xã hội. Để khắc phục những tồn tại đó, cần nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển văn học nghệ thuật trong các cấp, ngành, đồng thời cần có chiến lược đào tạo đội ngũ sáng tác và đào tạo thế hệ có tri thức để nhận diện, thưởng thức các tác phẩm có giá trị.
Hầu hết các lĩnh vực văn học nghệ thuật, gồm: Văn học, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, âm nhạc, kiến trúc, múa, sân khấu, điện ảnh… đều có đại biểu đóng góp tham luận, trong đó có sự liên hệ cụ thể đến lĩnh vực đang hoạt động.
Các tham luận cũng tập trung nhấn mạnh vào thực trạng, giải pháp, góp phần phát huy hiệu quả nhất giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam nhằm nhận thức sâu sắc hơn những quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa văn nghệ và các giá trị lý luận thực tiễn trong quá trình thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác văn hóa, văn học nghệ thuật, đặc biệt là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.