Tọa đàm 'Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy nhà nước'
Chiều 18/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án 'Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045' tổ chức Tọa đàm 'Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy nhà nước'.
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nêu rõ, việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước ở các quốc gia trên thế giới không phải là vấn đề mới, nhất là phân cấp. Ở nước ta, ngay từ khi chính quyền mới thành lập năm 1945, đã thực hiện phân cấp quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc phân quyền và gắn phân cấp với phân quyền trong quản lý nhà nước bắt đầu xuất hiện trong thời kỳ đổi mới đất nước, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành vĩ mô của chính quyền Trung ương, đồng thời tạo động lực cho phát triển của chính quyền địa phương; từ đó được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và từng bước được luật hóa trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) yêu cầu thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, mạnh mẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới (giữa Chính phủ với bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương); gắn quyền hạn với trách nhiệm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực.
Đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ, nghiên cứu Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cho thấy, kết quả đạt được của việc phân cấp, phân quyền chưa được đánh giá rõ nét; trong khi đó, tồn tại, hạn chế lại được chỉ rõ: Phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; năng lực của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; trong khi sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của việc phân cấp. Từ đó, trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại hội XIII tiếp tục đặt ra nhiệm vụ: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương khắc phục triệt để chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; gắn phân cấp, phân quyền với kiểm tra, giám sát; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện phân cấp, phân quyền, chống tha hóa quyền lực; có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo quản lý thống nhất của Trung ương.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, phân tích làm rõ một số vấn đề nhận thức về phân cấp, phân quyền, về khái niệm, nội dung, phạm vi, nguyên tắc... phân cấp, phân quyền; phân biệt phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền...; mối quan hệ giữa phân cấp với phân quyền; giới thiệu các mô hình phân cấp, phân quyền hiện nay trên thế giới và việc vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, nhất là các mô hình phân quyền; phân tích làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phân cấp, phân quyền hiện nay ở Việt Nam; nguyên nhân của hạn chế, bất cập và đề xuất biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và đưa ra những giải pháp mới, có tính đột phá để đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền; những điểm đặc thù trong phân cấp, phân quyền ở các mô hình tổ chức chính quyền địa phương đang được nghiên cứu hoặc thí điểm hiện nay; cơ chế kiểm soát quyền lực trong phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa Chính phủ và các bộ, ngành...
Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá, qua thảo luận, các ý kiến đã tương đối thống nhất về các khái niệm phân cấp, phân quyền, ủy quyền...; lựa chọn đề xuất các mô hình phù hợp với Việt Nam. Nhiều ý kiến đã nêu lên hiện trạng về vấn đề này ở Việt Nam. Hiện quy định về phân quyền của Việt Nan nằm rải rác ở rất nhiều luật, chủ yếu là luật chuyên ngành, vì vậy có sự chồng chéo. Các ý kiến cũng phân tích, đề xuất các điều kiện phân cấp, phân cấp, phần quyền và các phương pháp để thực hiện. Các ý kiến tại tọa đàm sẽ được Tổ Biên tập tiếp thu, chắt lọc để bổ sung, hoàn thiện Đề án.