Tọa đàm khoa học 'Xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên'
Ngày 23/7 Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn tổ chức tọa đàm 'Xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên'.

Tọa đàm khoa học "Xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên".
Theo PGS.TS Đỗ Văn Hùng – Trưởng khoa Thông tin – Thư viện, Trường ĐH KHXH&NVN (ĐHQGHN): Tọa nhằm xây dựng và hoàn thiện Khung năng lực AI cho sinh viên, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục đại học đang chuyển mình theo hướng đổi mới và tích hợp công nghệ.
Thực tế cho thấy, hiện vẫn thiếu một khung năng lực cụ thể, thực tiễn dành cho sinh viên, gây khó khăn trong đào tạo và định hướng nghề nghiệp. Trong khi đó, AI là một công cụ, không phải là sự thay thế con người. AI có thể nâng cao năng suất và hỗ trợ con người trong công việc và cuộc sống, nhưng không nên xem nó là tương đương với trí tuệ hay năng lực của con người.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã đi sâu vào nhiều vấn đề, trong đó chú trọng: Hướng dẫn cá nhân tiếp cận tri thức về AI. Trang bị cho người học kiến thức về cách thức hoạt động và năng lực của AI, cũng như khả năng của các công cụ AI khác nhau trong việc hỗ trợ và nâng cao năng lực cũng như hiệu quả công việc của con người.

Xây dựng nền tảng cho việc sử dụng AI một cách phù hợp: Đảm bảo AI được sử dụng một cách có trách nhiệm và đúng đắn, có cân nhắc đến các hệ quả đạo đức tiềm ẩn như thông tin sai lệch, đạo văn, và tác động xã hội của AI.
Thúc đẩy sự hợp tác tích cực giữa con người và AI: Tăng cường khả năng ứng dụng các kỹ năng cốt lõi của con người như tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng thích ứng thông qua việc sử dụng AI, đồng thời đảm bảo con người vẫn giữ vai trò trung tâm trong quá trình phát triển AI.
Đảm bảo, tiếp cận tích hợp đa chiều, nhằm đảm bảo sinh viên không chỉ làm chủ công nghệ mà còn phát triển năng lực toàn diện trong môi trường số. Tư duy phản biện được xác định là năng lực cốt lõi xuyên suốt toàn bộ khung năng lực.

Rèn luyện cho sinh viên khả năng học hỏi linh hoạt, giải quyết vấn đề trong bối cảnh biến động, cũng như đảm bảo tính bao trùm và công bằng xã hội trong ứng dụng AI, là yếu tố then chốt để xây dựng một thế hệ công dân số có trách nhiệm.
PGS.TS Đỗ Văn Hùng – Trưởng khoa Thông tin – Thư viện, đặc biệt nhấn mạnh đạo đức và khung pháp lý cần thiết cho việc áp dụng AI một cách có trách nhiệm. Bao hàm việc hiểu các nguyên tắc đạo đức AI (như công bằng, minh bạch, trách nhiệm và quyền riêng tư), nhận diện các rủi ro tiềm ẩn (như thiên kiến, phân biệt đối xử, thông tin sai lệch), và thực hành sử dụng AI một cách có trách nhiệm.
Đồng thời, yêu cầu khả năng điều hướng các quy định pháp lý và hướng dẫn nội bộ để bảo đảm tuân thủ và liêm chính trong việc ứng dụng AI. Hướng đến việc phát triển khả năng ứng dụng AI của sinh viên trong các ngữ cảnh học tập và công việc cụ thể. Kết hợp giữa kiến thức, kỹ năng sử dụng các công cụ AI và kiến thức chuyên môn nghề nghiệp để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra trong một lĩnh vực học thuật hoặc nghề nghiệp cụ thể một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Cũng như khả năng thiết kế, phát triển và triển khai các hệ thống AI có trách nhiệm của sinh viên. Bao gồm việc hiểu được các bước trong quy trình xây dựng hệ thống AI, từ xác định vấn đề, thu thập và chuẩn bị dữ liệu, lựa chọn mô hình, huấn luyện, kiểm thử đến triển khai và giám sát hệ thống. Đồng thời, năng lực này cũng bao gồm khả năng áp dụng các nguyên tắc đạo đức, tư duy hệ thống và nhận thức xã hội trong quá trình phát triển các giải pháp AI nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả.