Tọa đàm liên kết vùng trong tiêu thụ sản phẩm HTX
Chiều 20/10, tại Khách sạn Hoa Lư, Liên minh HTX tỉnh tổ chức tọa đàm liên kết vùng trong tiêu thụ sản phẩm HTX.
Tới dự có lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; các HTX, Liên hiệp HTX các tỉnh, thành phố cụm đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh lân cận, các tỉnh có chương trình kết nghĩa, chương trình phối hợp.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế tập thể nói riêng như Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 113, Nghị quyết 32 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững; Đề án số 16 của UBND tỉnh phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025.
Hàng năm ngân sách tỉnh đã hỗ trợ từ 70 đến gần 100 tỷ đồng hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao; mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị, là hướng đi đã được các cấp, các ngành và các chủ thể sản xuất quan tâm, đã hình thành nên nhiều mô hình, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, sản phẩm OCOP, qua đó hình thành 153 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên… đã và đang mang lại giá trị hàng hóa cao, dần khẳng định thương hiệu các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thực hiện các chủ trương, nghị quyết và đề án hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị của tỉnh Ninh Bình, trong những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực, tập trung làm chuyển biến rõ nét chất lượng các HTX, xây dựng các mô hình, điển hình.
Đến nay, kinh tế tập thể, HTX tỉnh Ninh Bình đã có 2 Liên hiệp HTX và trên 60 HTX có các sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị.
Trong các loại nhóm sản phẩm có 32 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, 25 sản phẩm đã có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Điển hình như chuỗi các sản phẩm dược liệu; chuỗi rau, củ, quả an toàn; chuỗi các sản phẩm dê, gà, lợn thảo dược; chuỗi chạch sụn; chuỗi gạo chất lượng cao, trà rau má, dược liệu, gốm sứ.
Tuy nhiên, trên thực tế liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm hợp tác xã vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô còn nhỏ lẻ, tính liên kết còn lỏng lẻo; chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu của các hợp tác xã; mối quan hệ liên kết vùng tiêu thụ sản phẩm cho khu vực kinh tế tập thể giữa các địa phương còn ít, chưa tạo thành mạng lưới đủ mạnh để tác động tích cực đến việc tiêu thụ sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể dẫn đến chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đi sâu thảo luận, trao đổi tập trung vào một số vấn đề như: Tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp gắn với phát triển HTX và liên kết chuỗi giá trị; vai trò của liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và những chủ trương, định hướng của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới; tình hình và một số giải pháp thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm HTX; vai trò của Liên minh HTX trong việc hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm...
Đại diện các đơn vị ký kết chương trình hợp tác.
Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình với Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu và ký biên bản ghi nhớ liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với một số các HTX sản xuất theo chuỗi trên địa bàn tỉnh.