Tọa đàm Nghiên cứu khoa học về giải pháp hỗ trợ quản lý thuốc lá mới

Ngày 1/8 tại trụ sở Bộ Tư pháp đã diễn ra Tọa đàm 'Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá'. Buổi Tọa đàm do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp tổ chức.

Buổi Tọa đàm có sự tham dự của ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội; ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội; bà Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Buổi Tọa đàm còn có sự tham gia của PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn - Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học Gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội; TS.BS. Phạm Tuấn Anh, Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương; cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Thuốc lá thế hệ mới tràn ngập thị trường

Tổng biên tập Vũ Hoài Nam phát biểu khai mạc. (Ảnh: H.Giang)

Tổng biên tập Vũ Hoài Nam phát biểu khai mạc. (Ảnh: H.Giang)

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, TS Vũ Hoài Nam cho biết, tình trạng sử dụng thuốc lá nung nóng đã phát triển nhanh, đặc biệt trong giới trẻ. Điều này tác động xấu đến thể lực, trí lực của thế hệ trẻ. Các sản phẩm được gọi là thuốc lá thế hệ mới tràn ngập thị trường, kéo theo rất nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội…

Đánh giá về sản phẩm, ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “ Tháng 5/2024, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã ban hành 04 tiêu chuẩn ISO đối với sản phẩm TLLN, bao gồm tiêu chuẩn ISO 6080:2024 về thuật ngữ và định nghĩa đối với TLLN và bộ tiêu chuẩn ISO 5501 gồm 3 phần đề cập về điều kiện chuẩn để tạo và thu thập sol khí (aerosol) của các dạng TLLN.

Ông Lê Thành Hưng đưa ra những đánh giá về sản phẩm. (Ảnh: H.Giang)

Ông Lê Thành Hưng đưa ra những đánh giá về sản phẩm. (Ảnh: H.Giang)

Tiêu chuẩn ISO 6080:2024 định nghĩa TLLN là sản phẩm chứa cơ chất (chất nền) thuốc lá, được thiết kế để được làm nóng (mà không bị đốt cháy) để tạo ra sol khí chứa nicotin (product containing a tobacco substrate that is designed to be heated and not combusted by a separate source to produce a nicotine-containing aerosol). Tiêu chuẩn này cũng nêu rõ các sản phẩm TLLN không phải là thuốc lá điếu truyền thống hay thuốc lá điện tử.

Trước đó, vào cuối năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã biên soạn và công bố 03 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm thuốc lá nung nóng, bao gồm 02 tiêu chuẩn về phương pháp thử nghiệm và 01 tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật”.

Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội Nguyễn Hồng Ngọc chia sẻ về thực trạng thuốc lá mới. (Ảnh: H.Giang)

Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội Nguyễn Hồng Ngọc chia sẻ về thực trạng thuốc lá mới. (Ảnh: H.Giang)

Chia sẻ về thực trạng của thuốc lá mới, ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội cho biết hiện có một số quan ngại về vấn đề này.

Thứ nhất, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam đều là hàng hóa nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.

Thứ hai, có khoảng trống pháp lý trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Thứ ba, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên; đã có một số điều tra, khảo sát thông tin về vấn đề này.

Thứ tư, lợi dụng thuốc lá điện tử với thành phần là dung dịch lỏng hòa tan nên các đối tượng phạm tội đã pha trộn một số chất ma túy thế hệ mới vào tinh dầu của thuốc lá điện tử, gây ra những hệ lụy đối với sức khỏe người sử dụng và xã hội.

Thứ năm, việc mua bán được thực hiện chủ yếu thông qua mạng xã hội; một số nơi xuất hiện các điểm bán lẻ công khai hoặc bán trà trộn cùng các sản phẩm khác.

Thứ sáu, việc quản lý hoạt động quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế, thiếu quy định phù hợp và chế tài xử phạt đủ sức răn đe”.

Theo Công điện 47/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp đối với thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Y tế cần thực hiện báo cáo đánh giá khoa học toàn diện, đầy đủ về thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử trước khi đưa ra quyết định đối với các sản phẩm này. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế thực hiện đánh giá tác động, ảnh hưởng của thuốc lá mới đối với sức khỏe người dùng.

PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn trình bày các bằng chứng nghiên cứu khoa học. (Ảnh: H.Giang)

PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn trình bày các bằng chứng nghiên cứu khoa học. (Ảnh: H.Giang)

Dưới góc độ khoa học, tại Tọa đàm, các chuyên gia y tế đầu ngành cũng trình bày các bằng chứng nghiên cứu đã được công bố trên toàn cầu về thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác. Theo đó, PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học Gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội trình bày: “Chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp (là nghiên cứu có giá trị bằng chứng cao nhất) nhằm tổng hợp lại kết quả của các nghiên cứu cập nhật trên thế giới có so sánh độc tính của thuốc lá nung nóng so với thuốc lá truyền thống thông qua phân tích các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm. Kết luận từ nghiên cứu này cho thấy: Độc tính của thuốc lá nung nóng, đánh giá thông qua các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm, giảm đáng kể so với thuốc lá truyền thống”.

Từ kết luận trên, PGS. Toàn đề xuất: “Tốt nhất là việc xây dựng chính sách phải dựa trên các bằng chứng khoa học. Tuy nhiên, trong trường hợp của thuốc lá nung nóng, do những hạn chế nhất định về nguồn lực và thời gian, việc chờ đợi kết quả các nghiên cứu được thực hiện ở Việt Nam, trên người Việt Nam là không khả thi. Do đó, chúng ta cần tận dụng có chọn lọc các bằng chứng từ các nghiên cứu đã có trên thế giới, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế uy tín và bài học kinh nghiệm của các nước để lựa chọn cách thức ứng xử phù hợp với thuốc lá nung nóng”.

TS.BS. Phạm Tuấn Anh, Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương cho rằng: “Thuốc lá mới vẫn là những sản phẩm có hại. Lý tưởng nhất là tất cả mọi người hút thuốc đều cai được thuốc lá. Tuy nhiên, nếu đã xác định người hút thuốc thuộc nhóm đối tượng không thể cai thuốc, cần nghiên cứu xem xét các cách tiếp cận giảm tác hại như các giải pháp thay thế nicotine, các loại kẹo ngậm, miếng dán...”.

Cần sớm có biện pháp đảm bảo sức khỏe nhân dân

Về các bất cập liên quan đến quyền lợi của người dùng nếu cấm thuốc lá mới, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu quan điểm: “Đứng về phía người dân, tôi cho rằng đây là một nhu cầu của xã hội. Đã là nhu cầu của con người, chắc chắn là phải có nguồn cung. Do đó, phải có giải pháp về quản lý Nhà nước, lẫn thay đổi nhận thức của người dùng. Phải lấy người tiêu dùng làm trung tâm, lấy sức khỏe người tiêu dùng làm mục tiêu”.

Bà Liên cũng cho rằng, dưới góc độ phản biện từ nhân dân, cần tổng rà soát mặt hàng này, nghiên cứu, khảo cứu, xem xét các công ty sản xuất uy tín, và khả năng kiểm soát được các sản phẩm này. Đồng thời, cần sửa đổi Nghị định 67. Nếu đây là một loại thuốc lá thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hoặc sửa đổi Nghị định để bổ sung điều chỉnh văn bản của Chính phủ, rồi đánh giá để sau đưa vào Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ phát biểu tại Tọa đàm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ phát biểu tại Tọa đàm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhấn mạnh: “Hiện nay, đề nghị cấm của Bộ Y tế là đi từ góc độ sức khỏe của con người. Nhưng để Quốc hội quyết định cấm hay không cấm thì phải có đề xuất của Chính phủ và trong đề xuất của Chính phủ phải đầy đủ nghiên cứu từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở về khoa học đến các đánh giá tác động”...

Về câu chuyện quản lý, theo Phó Chủ nhiệm Tạ Văn Hạ, nếu không cấm thì đương nhiên cần phải đưa vào quản lý. Nhưng để quản lý được thì cũng phải do chỉ đạo của Chính phủ. Trường hợp quản lý cũng phải dựa trên cơ sở chứng minh về khoa học từ các cơ quan có thẩm quyền chứng minh về mặt nghiên cứu khoa học như PGS. TS. BS Trần Khánh Toàn đã trao đổi.

Tổng kết Tọa đàm, TS Vũ Hoài Nam nhận định, hầu hết các đại biểu, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đều nhấn mạnh, mọi sản phẩm thuốc lá đều không an toàn, nhưng cần xem xét các giải pháp theo định hướng phát triển của Chính phủ, như cách mà Nhà nước đang kiểm soát thuốc lá.

Các đại biểu cũng đồng thuận rằng, các Bộ ngành cần sớm đưa định nghĩa về thuốc lá nung nóng để làm cơ sở pháp lý đối với thuốc lá mới.

Ngoài ra, các đại biểu cũng trông đợi các cơ quan chức năng cần sớm thống nhất phương án đối với thuốc lá mới trình Chính phủ, nhằm lấp khoảng trống pháp lý cho thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác, vốn là vấn đề bị trì trệ gần 10 năm qua dù đã có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành liên quan.

Lệ Quyên

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/toa-dam-nghien-cuu-khoa-hoc-ve-giai-phap-ho-tro-quan-ly-thuoc-la-moi-442685.html