Tọa đàm 'Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em'
Ngày 2/8, tại Hà Nội, Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức tọa đàm 'Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em'.
Tọa đàm nhằm giúp cho các bậc phụ huynh nâng cao kiến thức, kỹ năng trong hành trình xây dựng tổ ấm, chốn an cư hạnh phúc.
Luật Trẻ em Việt Nam ban hành năm 2016 đã nhấn mạnh “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển; Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh…; Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi”. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều câu chuyện, trường hợp đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến việc mất an toàn của trẻ em tại các chung cư khiến dư luận không khỏi xôn xao, lo lắng. Không những vậy, trẻ em tại không ít chung cư đang thiếu đi không gian giải trí khi khu vui chơi bị lấn chiếm.
Liên quan đến không gian giải trí, vui chơi cho trẻ em, nhiều năm qua có không ít bài báo phản ánh việc các khu chung cư ở các đô thị lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,… thiếu trầm trọng diện tích đất sử dụng làm sân chơi cho trẻ nhỏ hoặc có tồn tại nhưng đã xuống cấp không được cải tạo, sân chơi của trẻ em bị chiếm dụng để bán cà phê, hàng ăn…
Việc thiếu sân chơi cho trẻ dẫn đến nhiều hệ lụy đi kèm. Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em.
Tại tọa đàm “Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em”, các chuyên gia, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, bất động sản đã thảo luận về thực trạng mất an toàn đang diễn ra tại nhiều chung cư hiện nay đối với trẻ em; Phân tích những rủi ro, khó khăn cho trẻ khi sống ở những chung cư xuống cấp, mất an toàn, thiếu không gian vui chơi,…
Theo Tổng Biên tập Tạp chí Trẻ em Việt Nam Nguyễn Mạnh Huy, thông qua tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị dành cho người mua nhà nhằm hướng tới sự lựa chọn nơi đáng sống là các chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ nhỏ. Đồng thời, tìm ra giải pháp chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ, việc nhiều khu chung cư được xây dựng đã giải quyết vấn đề về nhà ở cho đông đảo người dân ở các đô thị lớn, giúp các gia đình có mái ấm ổn định, góp phần phát triển an sinh xã hội, giúp trẻ em phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, vì sự phát triển quá nhanh của các chung cư khiến hệ thống pháp luật không theo kịp, đã có những chuyện đau lòng đáng tiếc xảy ra liên quan đến trẻ em ở các chung cư.
“Để xảy ra những vấn đề đó, lỗi trước tiên là ở gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ đã không sát sao trong chăm nuôi con trẻ, không thực hiện hết quyền của mình dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, có nguyên nhân khách quan khác như thiết kế chung cư, lan can, cửa cầu thang,….”, ông Bốn nói.
Theo Luật sư Phạm Thanh Tuấn - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, về việc đảm bảo điều kiện sống an toàn cho trẻ em, trong tổng thể hệ thống văn bản pháp lý hiện nay đã quy định khá đầy đủ, toàn diện do được Đảng và Nhà nước quan tâm trong chiến lược phát triển con người. Cụ thể, tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; Luật Trẻ em 2016 có nhiều nội dung bảo vệ trẻ em; Luật Hôn nhân và gia đình quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn của cha mẹ đối với con cái;…
Tuy nhiên, quá trình thực thi vẫn còn một vài bất cập. Quyết định số 458/QĐ-LĐTBXH năm 2011 quy định về các tiêu chí của một ngôi nhà an toàn vẫn còn khá chung chung, chưa có quy định rõ ràng từng trường hợp cụ thể, áp dụng cho các căn nhà riêng lẻ ở khu vực nông thôn hay chung cư, chưa có sự phân biệt trong khi sản phẩm bất động sản khá nhiều, chưa có quy định cụ thể về việc bảo đảm an toàn cho trẻ tại chung cư trong khi đây là một loại hình bất động sản phổ biến trên thị trường, thậm chí còn chưa hướng tới mục tiêu hạnh phúc cho trẻ.
Luật sư Tuấn khuyến nghị, thứ nhất, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn nữa về tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng và quản lý các khu chung cư, đặc biệt là những khu vực liên quan trực tiếp đến trẻ em như sân chơi, khu vui chơi, thang máy, cầu thang thoát hiểm... Ngoài ra, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa quy định đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở chung cư. Các khu chung cư có mật độ dân cư cao, nhiều tiện ích công cộng, vì vậy yêu cầu về an toàn, chất lượng và tiện ích cũng cần phải cao hơn.
Thứ hai, ngoài việc đáp ứng được các tiêu chí này, chủ đầu tư sẽ tạo được sự khác biệt, thu hút khách hàng và nâng cao giá trị thương hiệu của dự án thì nhà nước cũng cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng và an toàn, tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án chất lượng cao.
Thứ ba, Luật pháp có thể rất hoàn thiện, đầy đủ nhưng nếu không được thực thi nghiêm túc thì cũng vô nghĩa. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Việc nghiệm thu các dự án trước khi đưa vào sử dụng là rất quan trọng. Các cơ quan chức năng cần có những tiêu chí nghiệm thu chặt chẽ để đảm bảo rằng các dự án đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng và an toàn.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đến các chủ đầu tư, đơn vị thi công và người dân để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định về xây dựng và quản lý nhà ở.