Tọa đàm 'Tài nguyên nước và vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng nước sạch'
Với quan điểm 'nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước', Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn, thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước; khai thác, sử dụng nguồn nước sạch hợp lý nhằm góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng ngày càng lớn của các hoạt động sử dụng nước, sự tác động của biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sạch để sử dụng.
Nước là tài nguyên hữu hạn, chúng tôi đánh giá nước vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển. Nếu chúng ta hành động đúng và trúng thì sẽ tạo thành động lực lớn. Ngược lại hành động không đúng thì sẽ đẩy lùi sự phát triển. Đánh giá tài nguyên nước để quản lý phù hợp là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách hiện nay. Chúng tôi đánh giá, trong những năm qua công tác quản lý tài nguyên nước đạt được những thành tựu cụ thể, đảm bảo an sinh, sức khỏe, chất lượng cuộc sống, ở mức độ nước vẫn đang trong tầm kiểm soát. Nước sạch của người dân là yêu cầu tất yếu, do đó cần thiết đánh giá tài nguyên nước theo lưu vực sông, theo hiện trạng, phân vùng sử dụng nước và phân vùng hệ thống.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 183 có Đề án tổng thể kiểm kê tài nguyên nước quốc gia đến năm 2025. Khi kiểm kê, chúng ta sẽ đánh giá được chất lượng, từ đó có những hành động phù hợp. Chúng tôi đánh giá cao quyết định này, đây là cơ sở khoa học để thực hiện giải pháp tối ưu trong khai thác và bảo vệ nguồn nước, sắp xếp, ưu tiên đầu tư cho hạ tầng nguồn nước trong bối cảnh đất nước còn hạn chế về nguồn lực.
Bên cạnh rà soát tổng thể nguồn nước, hoạt động cấp nước sạch toàn quốc, một số giải pháp cần tính đến như xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ đầu tư cấp nước sạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến như thu, trữ, xử lý, tái sử dụng nước, hạn chế thất thoát nước và sử dụng nước tiết kiệm là một trong những hoạt động thiết yếu hàng đầu. Bên cạnh đó, tuyên truyền tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để giúp cho hoạt động quản lý nước được tốt.
Với tầm quan trọng đó, mới đây Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội "Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045". Đây là vấn đề an ninh phi truyền thống, bên cạnh những vấn đề an ninh mạng, dịch bệnh... Trong nội dung đề án này tập trung giải pháp đầy đủ để sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên nước. Theo đó, Chính phủ đề nghị 10 giải pháp như: huy động nguồn lực tổ chức, nguồn lực xã hội hóa để chủ động cấp tưới tiêu thoát nước, an toàn đập, hồ chứa nước; đảm bảo thực hiện đa mục tiêu đối với công trình thủy lợi, phòng chống giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai, khí hậu, bảo vệ phát triển rừng; xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá an ninh nước; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế như truyền thông để giúp cho cơ quan, tổ chức xã hội, đặc biệt là người dân thấy được tầm quan trọng của đề án này.
Bên cạnh việc Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, thì Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đang báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sẽ đề nghị Quốc hội có Nghị quyết riêng về vấn đề an ninh nguồn nước; từ đó giúp cho toàn dân, các tổ chức xã hội chung tay thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, trong một vài năm tới, chúng tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Tài nguyên nước cũng như các luật có liên quan đến tài nguyên để phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển hiện nay, giúp cho việc quản lý tài nguyên nước đảm bảo tiết kiệm, khai thác nước hiệu quả, để người dân đều bình đẳng trong sử dụng nước, ai cũng có cơ hội sử dụng nước.
(18/10/2021 16:57)
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng
Có ý kiến cho rằng, chính sách, quy định hiện nay chưa tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước, dẫn đến các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa tính toán đủ giá thành sản phẩm, chưa xác định chính xác hiệu quả sử dụng nước, dẫn đến việc sử dụng nước không tiết kiệm, thất thoát, lãng phí nước, gây thất thu ngân sách nhà nước, không kêu gọi được việc xã hội hóa trong ngành nước. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào thưa TSKH Nghiêm Vũ Khải?
TSKH Nghiêm Vũ Khải, Đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII, XIV, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:
Trong nền kinh tế thị trường, tính giá đúng, giá đủ là yêu cầu hết sức quan trọng. Nếu tính giá không đúng thì rất ảnh hưởng đến người sản xuất, người tiêu dùng và nhà quản lý. Tính giá đúng chính là việc đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì vậy, tính giá là vấn đề cốt lõi. Năm 2008, tôi đi giám sát ở Đồng Nai, Bình Dương thấy người dân bơm nước ngầm lên để phục vụ cho nhà máy lụa, hàng nghìn, hàng chục nghìn m3. Việc bơm như thế thì bao nhiêu triệu năm mới có thể tích lũy được?
Có thể thấy, khi mà chúng ta bơm lên một nguồn nước khác thay thế vào, môi trường thay đổi, nguyên tố độc hại cũng theo lên dẫn đến thiệt hại đơn, thiệt hại kép. Tôi đề nghị, nếu được an ninh nguồn nước, vấn đề tính giá, cải thiện giá, đầu tư về khoa học công nghệ.
Tôi nhận thấy việc xử lý rác thải, nước thải có nhiều vấn đề, tương đồng nhất là vấn đề công nghệ. Rất nhiều nhà sáng chế tạo ra các lò đốt rác, đa phần là không tồn tại được mấy chục năm. Vì rác có rất nhiều chất độc hại, dễ bị ăn mòn.Vì vậy, Việt Nam cần tính đến chuyện đầu tư về công nghệ, cùng chia sẻ lợi ích với các nhà sáng chế nước ngoài để có hiệu quả chúng ta cùng có lợi. Đầu tư khoa học công nghệ, lấy khoa học công nghệ làm cốt lõi thì mới có giá đúng, giá rẻ. Bảo đảm lợi ích giữa các bên thì mới có thể xã hội hóa.
(18/10/2021 17:01)
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa quý vị và các bạn!
Tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng - điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững. Tầm quan trọng của nước đối với xã hội, sức khỏe con người, phát triển kinh tế và hệ sinh thái đã được xác định. Nguồn nước hữu hạn, nhu cầu ngày một cao nên việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước phục vụ phát triển bền vững là rất cần thiết. Trong thời gian rất ngắn, các ý kiến của các nhà quản lý, nhà lập pháp, các chuyên gia, doanh nghiệp tại buổi tọa đàm hôm nay sẽ là một kênh thông tin quý báu để các cấp, các ngành, địa phương nỗ lực chung tay, vào cuộc, đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong những việc làm cụ thể hằng ngày, hướng tới mục tiêu quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước.
Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.
Xin trân trọng cảm ơn!