Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm công tác tư pháp giữa Nghệ An và Xiêng Khoảng (Lào)
Ngày 12/9, tại thành phố Vinh (Nghệ An) diễn ra Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm công tác tư pháp giữa Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An với Sở Tư pháp tỉnh Xiêng Khoảng (Lào).
Tham dự buổi tọa đàm có bà Hoàng Thị Thu Trang - Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An; ông Monti Sioudom - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Xiêng Khoảng, cùng các đại biểu của hai tỉnh.
Nghệ An có tổng diện tích 16.490,25km2, lớn nhất cả nước, trong đó miền núi và trung du chiếm 83% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đây cũng là địa phương có 6 huyện có xã biên giới giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlikhămxay của nước Cộng Hòa dân chủ nhân dân Lào, với chiều dài đường biên giới hơn 468 km.
Trên lĩnh vực quan hệ đối ngoại, Nghệ An luôn chú trọng, đặc biệt vun đắp tình hữu nghị, hợp tác với các tỉnh, địa phương của Lào, đặc biệt là 3 tỉnh giáp biên giới Nghệ An. Hàng năm, giữa Nghệ An và 3 tỉnh luân phiên tổ chức Hội nghị Đoàn đại biểu cấp cao thường niên và hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, có lĩnh vực về bảo vệ an ninh biên giới, di cư tự do, giải quyết vấn đề di cư tự do, kết hôn không giá thú dọc theo tuyến biên giới Việt Nam – Lào được chú trọng.
Giai đoạn 2017-2022, Sở Tư pháp đã thực hiện nội dung biên bản ghi nhớ giữa Sở Tư pháp Nghệ An với Sở Tư pháp Xiêng Khoảng và đã đạt được nhiều kết quả.
Theo đó, hàng năm, Sở Tư pháp Nghệ An đã ban hành kế hoạch, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn nói chung. Trong đó, chú trọng việc thực hiện nội dung phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho đồng bào dân tộc sinh sống trong vùng biên giới Việt Nam - Lào.
Các nội dung được quan tâm tuyên truyền, phổ biến là các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chính sách về dân tộc, quốc tịch, hỗ trợ phát triển, nâng cao đời sống vật chất và dân trí cho nhân dân, các văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống các tội phạm, phải lựa chọn và đa dạng các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp để người dân dễ tiếp thu và dễ thực hiện, tuân thủ, đặc biệt đối với những người dân là người Lào đã được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Công tác hộ tịch, quốc tịch và giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước được chú trọng thực hiện. Trong 3 năm 2019, 2020, 2021 các huyện biên giới đã phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện thủ tục đề nghị Chủ tịch nước nhập quốc tịch Việt Nam cho 201 người Lào theo quy định.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tư pháp đã tổ chức Lễ trao quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho 201 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam.
Sự kiện này đánh dấu mốc rất lớn đối với từng cá nhân nói riêng và đối với chính quyền hai nước Việt Nam – Lào nói chung, đã bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho họ ổn định cuộc sống, hòa nhập với đời sống kinh tế văn hóa, xã hội; tạo nền tảng cho việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới.
Tại buổi tọa đàm, ông Monti Sioudom - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Xiêng Khoảng báo cáo tình hình công tác tư pháp của tỉnh. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Xiêng Khoảng mong muốn Sở Tư pháp Nghệ An và Xiêng Khoảng tăng cường mối quan hệ hợp tác hơn nữa, xem xét tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Sở Tư pháp Xiêng Khoảng…
Cũng tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở Tư pháp 2 tỉnh đã ký kết Biên bản ghi nhớ Thỏa thuận hợp tác giữa hai Sở Tư pháp Nghệ An và Xiêng Khoảng.
Hai Sở Tư pháp đưa ra phương hướng, nội dung hợp tác giai đoạn 2023-2028 với nội dung: Thống nhất hai Sở thay nhau đăng cai tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm luân phiên 3 năm/lần;
Thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho các Phòng Tư pháp huyện có đường biên giới thường xuyên có mối quan hệ hợp tác về chuyên môn, hỗ trợ pháp luật cho nhân dân 2 tỉnh, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thu thập thông tin về di dân tự do và kết hôn không giá thú...
Chú trọng đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân sinh sống ở khu vực biên giới; Thống nhất phối hợp với các cơ quan liên quan hai tỉnh giải quyết và hạn chế tình trạng di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới, phối hợp giải quyết tốt các vụ việc di cư, nhập cảnh trái phép buộc phải tổ chức trao trả…