Tọa đàm về dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Ngày 20/9, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì tọa đàm. Cùng dự có Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm UBQPAN; Thường trực UBQPAN; ĐBQH các tỉnh, thành phố; lãnh đạo, chuyên viên Vụ QPAN, Văn phòng Quốc hội.

Về đại diện Ban soạn thảo có Đại tá Hoàng Ngọc Huynh, Phó Cục trưởng Cục PCCC và CNCH (Bộ Công an); đại diện các bộ, ngành Trung ương: Cục CNCH (Bộ Quốc phòng), Bộ Xây dựng, Công an TP Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp liên quan đến PCCC…

Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Hải Hưng chủ trì tọa đàm.

Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Hải Hưng chủ trì tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Hải Hưng cho biết, nhằm hoàn thiện dự án Luật PCCC và CNCH, UBQPAN đã hoàn chỉnh các bước và báo cáo Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH. Đến nay, cơ bản dự án luật đã được hoàn chỉnh, phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo triển khai các cuộc giám sát thực tiễn tại cả 3 miền (Bắc, Trung, Nam) trên toàn quốc.

“Qua các cuộc khảo sát, giám sát, UBQPAN và Ban soạn thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến trao đổi cụ thể từ các đại biểu, lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp, người dân các địa phương và cơ bản rất mong chờ dự thảo luật này được hoàn chỉnh để trình Quốc hội thông qua. Và hiện, UBQPAN đang nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý về dự án luật này”, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng nêu rõ.

Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Tọa đàm được tổ chức để xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực PCCC, những nội dung liên quan đến dự thảo luật, nhằm tiếp tục hoàn chỉnh, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Đây là dự án luật rất quan trọng, có tác động lớn đến đời sống xã hội, liên quan đến hoạt động kinh doanh PCCC và CNCH của doanh nghiệp, người dân; liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực mình phụ trách và kinh nghiệm thực tế, năng lực pháp lý thẳng thắn đóng góp những nội dung nghiên cứu, quan tâm cho UBQPAN, Ban soạn thảo, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Ủy viên Thường trực UBQPAN trình bày báo cáo khái quát nội dung chính và tiến độ của dự án Luật PCCC và CNCH.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Ủy viên Thường trực UBQPAN trình bày báo cáo khái quát nội dung chính và tiến độ của dự án Luật PCCC và CNCH.

Báo cáo khái quát nội dung chính và tiến độ của dự án Luật PCCC và CNCH do Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Ủy viên Thường trực UBQPAN trình bày nêu rõ, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.

Qua quá trình nghiên cứu, thẩm tra dự thảo luật đã được tiếp thu, chính lý, giảm 4 điều, còn 61 điều, với các nội dung tập trung trong các chương trình về PCCC, về CNCH; xây dựng bố trí lực lượng; phương tiện PCCC và CNCH; bảo đảm điều kiện cho hoạt động; quản lý nhà nước… Trong đó, nội dung dự thảo luật được điều chỉnh theo hướng tháo gỡ những khó khăn hiện tại, tăng cường tính xã hội hóa, tăng cường nguồn lực… với mục tiêu an toàn để phát triển.

Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Trên tinh thần trách nhiệm, cởi mở, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã thống nhất về sự cần thiết của Luật PCCC và CNCH; thẳng thắn đóng góp, trao đổi về các nội dung của dự án luật. Trong đó, nhiều nội dung trong các chương về PC; CC; CN; CH; xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng PCCC và CNCH; phương tiện PCCC và CNCH; bảo đảm điều kiện cho hoạt động PCCC và CNCH; quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam đánh giá cao việc dự thảo luật được sửa đổi với nhiều nội dung thay đổi quan trọng, trong đó tháo gỡ nhiều tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý an toàn PCCC đối với các công trình xây dựng; tăng cường xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực PCCC và CNCH; tạo điều kiện mở rộng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động PCCC. Ví dụ như xã hội hóa một số hoạt động: kiểm định, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH…

Ông Vũ Trung Kiên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy, TP Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.

Ông Vũ Trung Kiên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy, TP Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.

Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng trao đổi cụ thể về nội dung các điều: Điều 5, Điều 22, Điều 38, Điều 39, Điều 47, Điều 49, Điều 54 sao cho phù hợp với Luật Điện lực sửa đổi và điều kiện thực tiễn hiện nay.

Cho ý kiến vào nội dung dự thảo luật về tổ chức hoạt động của lực lượng PCCC và CNCH, đặc biệt là lực lượng dân phòng, ông Vũ Trung Kiên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho rằng, hiện nay, lực lượng PCCC cơ sở ở một số nơi có chất lượng hoạt động tương đối hạn chế, mang tính hình thức do hầu hết đều làm công tác kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì vậy, cần có quy định cụ thể nhằm khuyến khích các cá nhân tình nguyện tham gia…

Vũ Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/toa-dam-ve-du-thao-luat-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-i744665/