Tọa đàm về 'Phát triển thành phố hai bên sông Cầu'

Ngày 05/12/2015 tại thành phố Thái Nguyên, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm, đối thoại về chuyên đề 'Phát triển thành phố hai bên sông Cầu'.

Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Nguyễn Tấn Vạn, khẳng định: Nghiên cứu để “phát triển thành phố hai bên Sông Cầu” là một việc làm rất có ý nghĩa để bước đầu chúng ta tiếp cận, từng bước triển khai công việc tiếp theo một cách chắc chắn, hiệu quả, đạt được mục tiêu mong muốn, đánh thức được vốn tiềm năng của dòng sông Cầu khu vực chảy qua, gia tăng giá trị đô thị vào việc phục vụ con người, đáp ứng mục tiêu phát triển.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm cũng như định hướng, giải pháp mang tính khả thi đối với vấn đề quy hoạch kiến trúc, cảnh quan của hai bên bờ Sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên. Qua các trao đổi với chủ đề như: đô thị và những dòng sông, trường hợp thành phố Thái Nguyên đoạn qua sông Cầu, tiềm năng và thách thức đối với quy hoạch phát triển thành phố hai bên bờ sông Cầu và chia sẻ từ các nhà quản lý các địa phương đã quy hoạch và phát triển hiệu quả đô thị ven sông như Đà Nẵng đã bước đầu gợi mở những định hướng quan trọng trong vấn đề quy hoạch kiến trúc, cảnh quan hai bên bờ sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên.

Sông Cầu có chiều dài 290km, đi qua 6 tỉnh và thành phố là Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương với diện tích lưu vực là 6.030km2. Hiện sông Cầu và lưu vực sông đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ việc phát triển kinh tế - xã hội không hợp lý, gây ô nhiễm nguồn nước, hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên gặp nhiều nguy cơ suy thoái...

Một số địa phương đã và đang xây dựng đô thị khai thác hiệu quả hai bờ sông Cầu như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

Đối với thành phố Thái Nguyên, sông Cầu đoạn qua có chiều dài 22km, độ dốc không lớn, dòng sông rộng về mùa cạn được xác định là yếu tố chủ đạo trong sự phát triển không gian đô thị nếu khai thác và quy hoạch hợp lý. Tuy nhiên, ngoài lợi thế về phát triển kiến trúc đô thị, dòng sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên cũng có những điểm yếu cần quan tâm và có giải pháp thích hợp để khai thác tiềm năng, đồng thời tạo ra bản sắc, tính độc đáo của đô thị Thái Nguyên bên sông Cầu.

Nhiều KTS cho rằng: Để phát triển thành phố Thái Nguyên nằm đôi bờ sông Cầu trở thành đô thị bền vững, hấp dẫn và đáng sống, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, nhà đầu tư và người dân thành phố Thái Nguyên.

Được biết, chủ trương phát triển thành phố Thái Nguyên hai bên bờ sông Cầu đã được tỉnh Thái Nguyên đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIX vừa diễn ra; đồng thời địa phương này cũng đang xúc tiến việc điều chỉnh quy hoạch chung mở rộng theo hướng lấy Sông Cầu là trục chính của không gian đô thị, tạo động lực phát triển cho thành phố Thái Nguyên và các khu vực lân cận.

NTV

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/toa-dam-ve-phat-trien-thanh-pho-hai-ben-song-cau.html