Tọa đàm xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp
Chiều 14-2, tại thành phố Đồng Hới, Đoàn công tác số 4 của Bộ Quốc phòng tổ chức Tọa đàm xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp.
Đại tá Ngô Nam Cường, Phó tư lệnh Quân khu 4 và đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đồng chủ trì tọa đàm.

Đại tá Ngô Nam Cường phát biểu kết luận tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Trong những năm qua, công tác triển khai thực hiện Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được triển khai đồng bộ và có bước phát triển, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Bên cạnh những kết quả đạt được, các quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp còn trùng lặp, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Công tác phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có thời điểm còn lúng túng, chưa đồng bộ, nhất là liên quan đến tình hình dịch bệnh, thiên tai… Vì vậy, việc ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tính chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, thảm họa; góp phần bảo vệ tài sản Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, tính mạng, tài sản của nhân dân...

Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm phát biểu tại tọa đàm.
Dự thảo Luật Tình Trạng khẩn cấp gồm 6 chương, 42 điều quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; tổ chức thi hành Nghị quyết ban bố, Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tình trạng khẩn cấp.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều nhất trí tính cấp thiết xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp, đồng thời làm rõ các nội dung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức chỉ huy điều hành và các chính sách liên quan đến tình trạng khẩn cấp; công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; lực lượng hoạt động, nguồn lực, kinh phí bảo đảm cho các hoạt động trong tình trạng khẩn cấp; quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân; phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương trong thi hành tình trạng khẩn cấp; những bất cập, giải pháp khắc phục, kiến nghị các vấn đề cần đưa vào luật...



Các đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật tình trạng khẩn cấp.
Kết luận tọa đàm, Đại tá Ngô Nam Cường ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp thẳng thắn, chất lượng của các đại biểu vào dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp; đồng thời khẳng định, những ý kiến, đề xuất sẽ được đoàn công tác tổng hợp gửi đến Bộ Quốc phòng, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.