'Tọa độ lửa' ngã ba Cò Nòi

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Ngã ba Cò Nòi là nút giao thông quan trọng bậc nhất, được ví như 'yết hầu' trên tuyến lửa mà địch quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Trần Chương không thể quên những ngày tháng cùng đồng đội.

Ông Trần Chương không thể quên những ngày tháng cùng đồng đội.

Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa hai tuyến quốc lộ 13A (hiện là quốc lộ 37) và đường 41 (quốc lộ 6 hiện nay), thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Các tuyến chi viện của quân và dân ta từ hậu phương lên Điện Biên đều phải đi qua ngã ba trọng yếu này. Ngã ba Cò Nòi trở thành “tọa độ lửa”, nơi diễn ra cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa ta và địch trên đường tới Điện Biên Phủ. Đây cũng là nơi ghi dấu ấn oanh liệt của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam và các lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Những ngày đầu tháng 5 lịch sử, chúng tôi tìm gặp ông Trần Chương - Đại đội C406, Đội 40 đoàn TNXP Trung ương năm xưa, tại nhà số 02, ngõ 60, đường Lý Tự Trọng, thành phố Sơn La. Người cựu TNXP năm nay đã qua tuổi 90, mắt đã mờ, chân đã yếu, nhưng những ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn in trong tâm trí.

Ông Trần Chương bồi hồi nhớ lại: Tôi sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ. Tháng 7/1950, lực lượng TNXP Việt Nam ra đời, có nhiệm vụ sửa chữa cầu đường, làm đường mới, đảm bảo giao thông liên lạc, vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm cho các mặt trận; xây dựng các điểm kho tàng, lán trại cho bộ đội, rà phá bom mìn, thu chiến lợi phẩm... Tôi đã xung phong tham gia TNXP phục vụ chiến dịch Tây Bắc. Năm 1953, phục vụ chiến đấu tại bến Âu Lâu (thuộc thành phố Yên Bái hiện nay), rồi qua đèo Lũng Lô, đèo Chẹn. Đến cuối năm 1953, hành quân lên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ tại Ngã ba Cò Nòi.

Từ sau đợt tiến công thứ nhất của quân ta vào Điện Biên Phủ đến khi kết thúc chiến dịch, địch huy động mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất liên tục ném bom, nhằm chặt đứt con đường tiếp tế của ta từ hậu phương qua Ngã ba Cò Nòi lên chiến trường Điện Biên Phủ. Cứ 10 đến 13 phút, địch lại đánh phá một lần, có ngày chúng thả xuống nơi đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm với trọng lượng 19 tấn thuốc nổ. Dưới mưa bom, bão đạn, lực lượng TNXP vẫn hiên ngang trực diện với kẻ thù, dũng cảm làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm, thông đường, vận chuyển lương thực, vũ khí ra mặt trận, đảm bảo mạch máu giao thông vẫn chảy đều trên tuyến lửa.

Ông Trần Chương kể tiếp: Ban ngày chúng tôi vào rừng chặt cây, đục đá để làm đường chống lầy; 6 giờ tối mang cuốc, xẻng ra mặt đường san lấp hố bom. Dù địch ném bom thế nào, tối hôm đó phải thông đường ngay, đảm bảo giao thông thông tuyến để bộ đội hành quân, kéo pháo, dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho chiến trường Điện Biên. Đêm đến ở Cò Nòi tấp nập, mỗi khi bộ đội, dân công đi qua lại vang tiếng hát, ai nấy đều quên hết gian nguy. Cứ như vậy, đến 3 - 4 giờ sáng anh em mới về lán nghỉ. Trước khi làm nhiệm vụ, chúng tôi tập hợp, quân trang nghiêm chỉnh, đồng thanh hát 4 câu của Bác Hồ tặng TNXP.

Nói tới đây, ông Trần Chương tự hào hát: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Ông Chương trầm giọng: Đồng đội tôi ở Ngã ba Cò Nòi nhiều người hy sinh. Chúng tôi chôn cất đồng đội bằng phên nứa thay áo quan, với tấm chăn bông mỏng, lấy gốc cây vạt phẳng viết bằng mực tím làm mộ chí.

Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Trong chiến công chung đó, lực lượng TNXP đã góp phần không nhỏ. Thời gian sau, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Đại đội C406, Đội 40 đoàn TNXP Trung ương lại hành quân mở đường chiến lược biên giới Việt - Trung từ biên giới Ma Lù Thàng (thuộc xã Ma Li Po, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đến thị xã Lai Châu để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Hoàn thành nhiệm vụ, ông Trần Chương được đào tạo về ngành giao thông, rồi nhận công tác tại Ty Giao thông Sơn La. Mảnh đất Sơn La đã trở thành quê hương thứ hai của ông - nơi đã ghi dấu một thời ông chiến đấu kiên trung, góp phần giành lại độc lập cho quê hương, đất nước.

Tố Quyên (Bảo tàng Sơn La)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/toa-do-lua-nga-ba-co-noi-39398