Tòa Hiến pháp Thái Lan sắp ra phán quyết, thủ tướng có thể mất chức
Tương lai của Thủ tướng Prayut Chanocha có thể được quyết định trong phán quyết của Tòa án Hiến pháp vào hôm nay, trong khi cảnh sát chuẩn bị đối phó người biểu tình.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ ra phán quyết về tính hợp pháp của việc Thủ tướng Prayut Chanocha sử dụng dinh thự của quân đội sau khi thôi giữ chức bộ trưởng Quốc phòng để điều hành đất nước với tư cách thủ tướng từ năm 2014.
Bangkok Post cho biết một phán quyết chống lại Thủ tướng Prayut sẽ kết thúc nhiệm kỳ của ông, cũng như nội các hiện tại.
Các nghị sĩ đối lập của đảng Pheu Thai đã đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp thông qua Chủ tịch Quốc hội Chuan Leekpai vào ngày 9/3.
Trong đơn, đảng Pheu Thai cáo buộc Thủ tướng Prayut vi phạm Điều 184 trong Hiếp pháp, khi tiếp tục sử dụng dinh thự của quân đội ở Bangkok. Thủ tướng Prayut đáng lẽ phải rời khỏi tòa nhà khi ông thôi giữ chức bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2014. Việc ông tiếp tục ở lại đó miễn phí đã vi phạm các quy định của quân đội.
Sau khi dẫn đầu cuộc đảo chính lật đổ chính quyền do đảng Pheu Thai lãnh đạo vào ngày 22/5/2014, tướng Prayut đã thôi giữ chức tổng tư lệnh quân đội vào ngày 30/9/2014. Ông giữ chức thủ tướng và tiếp tục đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái.
Quân đội giải thích rằng ngôi nhà Thủ tướng Prayut đang ở không phải là nhà phúc lợi được cung cấp cho các quan chức cấp cao. Nó đã được chỉ định là “nhà khách” vào năm 2012. Quân đội Thái Lan cũng nêu vấn đề an ninh là lý do tại sao Thủ tướng Prayut cần phải sống bên trong các khu nhà quân đội.
Phichai Ratanatilaka Na Bhuket, giảng viên tại Viện Quản lý phát triển quốc gia, nói với Bangkok Post rằng ông tin Thủ tướng Prayut khó có thể tiếp tục nắm quyền sau vụ kiện.
Ông chỉ ra rằng Điều 184 trong Hiến pháp cấm xung đột lợi ích của những người nắm chức vụ chính trị. Ông cho biết các quy định mà quân đội viện dẫn khi bào chữa cho Thủ tướng Prayut là không hợp lý.
“Nếu giải thích dựa trên luật, thủ tướng khó có thể thoát tội, nhưng nếu được giải thích theo cơ cấu quyền lực trong xã hội Thái Lan, ông có thể trắng án”, ông Phichai giải thích.
Nếu tòa án ra phán quyết có lợi cho thủ tướng, họ sẽ đối mặt với làn sóng chỉ trích, bất kể lời giải thích thế nào. Nếu có một phán quyết bất lợi, Thủ tướng Prayut buộc phải rời nhiệm sở và quốc hội phải tìm một thủ tướng mới.
Tuy vậy, Jade Donavanik, cố vấn Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp Thái Lan, nói với Bangkok Post rằng ông tin Thủ tướng Prayut sẽ thoát tội. Quan điểm pháp lý của tòa án sẽ rất rộng và họ sẽ ra phán quyết có lợi cho ông, dựa trên các quy định của quân đội dành cho người đứng đầu nhà nước.
Bất chấp cảnh báo của cảnh sát, một số cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch bên ngoài Tòa án Hiến pháp. 3 đại đội cảnh sát đã được điều động đến phong tỏa bên ngoài Tòa án Hiến pháp. Các hàng rào sắt đã được dựng lên để đối phó với người biểu tình.