Tòa kiến nghị xử lý hình sự 2 cựu lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Bình Dương
Liên quan vụ án tham ô tài sản, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đang điều tra bổ sung theo kiến nghị của TAND cấp cao tại TPHCM về xem xét trách nhiệm hình sự với hai cựu lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Bình Dương.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội
Trước đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên bác kháng cáo xin giảm nhẹ của bị cáo Hà Ngọc Loan, bác kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TPHCM, chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Thị Ngân Giang.
Đồng thời, HĐXX cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Thượng Văn Hiếu - nguyên Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương và ông Ngô Văn Dinh - nguyên Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương.
Theo nhận định của HĐXX phúc thẩm, căn cứ vào lời khai của các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở kết luận: Từ ngày 24/8/2009 đến ngày 13/3/2012, bị cáo Loan là kế toán Sở KH&CN tỉnh Bình Dương, đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là kế toán Sở KH&CN, được giao nhiệm vụ thanh toán, quyết toán các nguồn chi từ Ngân sách Nhà nước được giao cho đơn vị quản lý, sử dụng; gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 518 triệu đồng.
Hành vi của bị cáo Loan là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tiền của cơ quan Nhà nước mà mình có trách nhiệm quản lý, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Nhà nước.
Bị cáo Giang tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức cho Loan chiếm đoạt 22.091.000 đồng. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo Loan, Nguyễn Thị Ngân Giang phạm tội “Tham ô tài sản” theo Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, trong đó bị cáo Loan bị áp dụng tình tiết định khung là “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng” theo Điểm a Khoản 3 Điều 353; bị cáo Giang bị áp dụng tình tiết định khung “phạm tội 02 lần trở lên” theo Điểm c Khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng pháp luật.
Về kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TPHCM đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, liên quan vai trò của ông Thượng Văn Hiếu - Giám đốc Sở KH&CN và ông Ngô Văn Dinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN (thời điểm xảy ra vụ án), phụ trách Phòng Kế hoạch – Tài chính do tin tưởng bị cáo Loan nên khi Loan trình ký đã không kiểm tra hồ sơ, chứng từ có đúng quy định hay chưa nên đã ký duyệt 38 giấy rút dự toán ngân sách tạo điều kiện cho bị cáo Loan chiếm đoạt tiền của ngân sách Nhà nước.
HĐXX phúc thẩm cho rằng, hành vi nêu của ông Hiếu và ông Dinh có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Do đó, kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TPHCM và kiến nghị của Tòa án cấp sơ thẩm về việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Thượng Văn Hiếu và Ngô Văn Dinh là có căn cứ.
Tuy nhiên, xét vào ngày 13/8/2020 Tòa án cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Bình Dương để xem xét trách nhiệm hình sự của ông Thượng Văn Hiếu và ông Ngô Văn Dinh về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự nhưng Viện KSND tỉnh Bình Dương vẫn không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với ông Dinh, ông Hiếu.
Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy không cần thiết phải hủy án sơ thẩm mà tiếp tục kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Dương và Viện KSND tỉnh Bình Dương xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Hiếu và ông Dinh theo đúng quy định của pháp luật.
15 năm tù về tội tham ô tài sản
Trước đó, ngày 16/9/2020, TAND tỉnh Bình Dương đã xử phạt bị cáo Loan 15 năm tù về tội tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt 9 năm 6 tháng tù tại bản án hình sự phúc thẩm ngày 11/5/2020 của TAND tỉnh Bình Dương, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho hai bản án là 24 năm 6 tháng tù; xử phạt bị cáo Giang 2 năm 6 tháng tù về tội Tham ô tài sản.
Trong quá trình xét xử, bị cáo Loan kêu oan rằng mình chỉ biết làm theo chỉ đạo của Ban Giám đốc. Mỗi lần mua văn phòng phẩm, thiết bị bị cáo là người trực tiếp mua, nhận tài sản và mang vào Sở KH&CN để tại một căn phòng không có người quản lý (phòng để đồ vật linh tinh) và có thông báo miệng với ban lãnh đạo. Số lượng văn phòng phẩm, thiết bị này có ai sử dụng không, sử dụng như thế nào bị cáo hoàn toàn không biết.
Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian từ ngày 24/8/2009 đến ngày 13/3/2012, bị cáo Loan là kế toán Sở KH&CN tỉnh Bình Dương, tuy không được phân công mua văn phòng phẩm nhưng bị cáo tự ý mua văn phòng phẩm với tổng cộng 47 hóa đơn, trong đó có ba hóa đơn Loan nhờ Giang ghi.
Tăng giá trị của mỗi hóa đơn là một hộp mực máy in với giá trị tăng thêm 3,8 triệu đồng; 4 hóa đơn Loan nhờ Giang ghi khống có nội dung thay thế linh kiện máy tính (main board) với giá trị 18,2 triệu đồng, rồi lập 38 giấy rút dự toán ngân sách thanh toán cho 47 hóa đơn nêu trên, trình lãnh đạo Sở KH&CN ký giấy rút dự toán ngân sách, rút tiền từ tài khoản tiền gửi của Sở KH&CN chuyển khoản vào tài khoản của Giang.
Tổng số tiền 518 triệu đồng, trong đó 22 triệu đồng (xuất theo ba hóa đơn ghi tăng thêm và bốn hóa đơn ghi khống), Giang rút tiền mặt giao cho Loan.
Trong 38 giấy rút dự toán ngân sách mà Loan trình, ông Hiếu (lúc này là Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương) ký 10 giấy (tổng số tiền 151 triệu đồng), ông Dinh (lúc này là Phó Giám đốc phụ trách Phòng Kế hoạch - Tài chính) ký 28 giấy (tổng số tiền 366 triệu đồng). Hai ông cho rằng do tin tưởng nên thiếu kiểm tra, giám sát để Loan chiếm đoạt 518 triệu đồng.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương và Viện KSND tỉnh Bình Dương xác định: Mặc dù hai ông thiếu kiểm tra khi ký các giấy rút dự toán ngân sách do Loan trình nhưng khi phát hiện sự việc, hai ông đã kịp thời trình báo, tích cực phối hợp điều tra và chủ động nộp 518 triệu đồng cho Sở KH&CN nên không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.