Tòa liên tục nhắc đại diện bị đơn đừng hỏi lan man
HĐXX nhiều lần lưu ý người đại diện của phía bị đơn (là một luật sư) phần hỏi phải ngắn gọn và không kèm theo phân tích, lập luận.
Như PLO đã phản ánh ngày 16-7, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt. Nguyên đơn là họa sĩ Lê Phong Linh và bị đơn là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật và phát triển tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.
Kết thúc phần xét hỏi, HĐXX quyết định phiên tòa sẽ được tiếp tục vào lúc 14h ngày 29-7.
Hỏi không được phân tích, lập luận
Tại phần hỏi, đại diện bị đơn là luật sư Nguyễn Văn Nam đặt nhiều câu hỏi. HĐXX lưu ý ông Nam về việc chỉ hỏi, hỏi những câu hỏi liên quan đến nội dung vụ án, hỏi ngắn gọn và không phân tích vì phần phân tích lập luận sẽ được trình bày tại phần tranh luận. Tuy nhiên, ông Nam vẫn phân tích và lập luận trong khi hỏi khiến HĐXX phải nhiều lần nhắc nhở.
Theo nguyên đơn trong tập truyện có nhiều hình ảnh khác như sấm chớp, mây do ông nghĩ ra các hình vẽ này. Việc lọc nét, đồ họa vi tính ông làm được nhưng do cần làm nhanh để đúng tiến độ phát hành truyện nên bà Hạnh đã thuê người khác làm.
Nói về biến thể ông Linh cho rằng từ biến thể là phạm trù chung, không gọi là phái sinh mà gọi chung là biến thể vì nó có thể tạo ra tác giải phái sinh hoặc không, luật không cần quy định từ biến thể.
Theo ông Linh đến tập 79 thì Công ty Phan Thị thuê những họa sĩ khác nhìn lại những hình tượng của ông để vẽ, đây là hành vi xâm phạm bản quyền và phải xin lỗi. Ông cho rằng với góc độ của tác giả ông yêu cầu bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, những người khác không thể biến thể từ tác phẩm của ông.
Ông Linh đưa ra các căn cứ để chứng minh chỉ duy nhất ông là tác giả đó là những ghi nhận trên các cuốn truyện. Việc bà Hạnh trình bày bà có tham gia về nội dung là không đúng vì bà Hạnh chỉ cung cấp tư liệu cho ông sáng tạo. Khi ông bắt tay vào sáng tác kịch bản thì ông đã viết ra ngoài nháp tất cả các bản thảo và ông viết trực tiếp lên trên bản thảo, đó hoàn toàn là bút tích của ông.
Ông tự nghĩ ra tất cả về phần tranh và cả phần lời thoại, tên nhân vật để làm sao chuyển tải những tích trạng và đều đã thể hiện rất rõ trong dây chuyền sản xuất ghi nhận tại tập 24. Từ đó ông đề nghị HĐXX tuyên y án sơ thẩm.
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh nói gì?
Phía bà Hạnh thừa nhận ông Linh là người trực tiếp vẽ nhưng bà là người “cầm tay” chỉ vẽ các nhân vật này. Bà không đóng góp ý tưởng, mà các hình tượng đã hình thành hoàn thiện trong ý tưởng của bà. Các nét vẽ của ông Linh nếu không được bà Hạnh đồng ý thì không được vẽ, vẽ không đúng theo ý bà Hạnh là phải xóa. Trước khi ông Linh phác thảo thì đã thống nhất với nhau về mặt nội dung.
Bà Hạnh cũng trình bày về quy trình xin phép xuất bản, công ty phải đăng ký tác phẩm, viết đơn và nộp bản thảo cho nhà xuất bản. Nhà xuất bản không đồng ý câu từ thì sẽ yêu cầu sửa lại, sửa cho đến khi nhà xuất bản đồng ý thì sẽ cấp giấy phép. Sau đó, liên hệ công ty in kèm giấy phép đã được cấp để in ấn. Sau khi in xong phải quay lại nhà xuất bản để xem bản thảo có đúng hay không rồi mới được phát hành.
Theo bà Hạnh, quá trình xin giấy phép xuất bản, tập nghiêm trọng nhất phải sửa là tập “Vụ án gà con” và tập “Bạn gái bá hộ”, khi có yêu cầu sửa câu chữ, hình ảnh, đồ họa,…thì bà là người đàm phán để giữ nguyên nội dung, bà là người quyết định, không phải thông qua ai. Theo bà Hạnh, bộ truyện ít chỉnh sửa hình ảnh và việc chỉnh sửa về hình ảnh do ông Linh làm.
Bà Hạnh phủ nhận việc ông Linh hợp tác với bà để tạo ra bộ truyện tranh mà là ông Linh đến nộp đơn xin việc và hai bên ký hợp đồng lao động. Công ty Phan Thị đầu tư tiền của để tạo ra bộ truyện này, là chủ sở hữu bộ truyện...
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/toa-lien-tuc-nhac-dai-dien-bi-don-dung-hoi-lan-man-846540.html