'Tòa muốn xử nhưng Ủy ban không tham gia thì không thể xử được...'

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình trả lời như vậy khi nhận được chất vấn của ĐBQH.

Gửi câu hỏi tới Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) phản ánh, trong quá trình giám sát, ông nhận thấy số đơn kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm án hình sự hoặc án hành chính rất ít khi xảy ra.

“Phải chăng năng lực giải quyết án dân sự của thẩm phán chưa thật sự tốt bằng án hình sự?” - ông Phương thắc mắc, đồng thời cho biết, đối với các vụ án hình sự đã tuyên có các khung hình phạt không cao, theo đại biểu Phương, thường ít được quan tâm xem xét lại.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nêu câu hỏi với Chánh án Tòa tối cao

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nêu câu hỏi với Chánh án Tòa tối cao

“Dư luận băn khoăn rằng, nếu giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà xác định một người đã bị kết tội oan thì sẽ phải bồi thường, còn án dân sự sai thì xử lại cũng không sao. Quan điểm của Chánh án như thế nào?” - ông Phương nêu câu hỏi.

Vẫn trong phần chất vấn, đại biểu Phương chia sẻ, cử tri băn khoăn việc khởi kiện vụ án hành chính thì cơ quan tư pháp mà cụ thể là Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh vẫn còn e dè, nể nang với cơ quan hành chính nhà nước.

Đại biểu đề nghị Chánh án cho biết có thực trạng này hay không? Nếu có thì Chánh án sẽ có giải pháp gì?

Hồi âm đại biểu, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thông tin, trong năm 2020, ngành tòa án đã giải quyết gần 650.000 vụ án, trong đó 80.000 vụ hình sự và nợ hơn 500.000 dân sự, kinh doanh, thương mại.

“Chính vì con số tuyệt đối của dân sự nhiều như vậy nên số lượng các vụ dân sự còn nợ nhiều, đó là bình thường, không thể so với hình sự. Hình sự chỉ 80.000 vụ một năm” - Chánh án giải thích.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đánh giá chất lượng xét xử của vụ án thì không phải căn cứ vào đơn, mà phải căn cứ vào những tiêu chí mà Quốc hội đã đặt ra, có bị kháng nghị hay không, có đúng hay không, có hiệu lực hay không và có phải do lỗi chủ quan hay không.

“Tất cả những điều này đã được báo cáo trong báo cáo của Chánh án và Viện trưởng Viện KSND tối cao gửi cho Quốc hội. Các chỉ số này đạt yêu cầu của Quốc hội” – ông Bình cho biết và lưu ý, không thể nói vì số lượng đơn mà đánh giá chất lượng của nền tư pháp.

Liên quan đến việc bồi thường, kể cả hình sự và dân sự, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nếu làm sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì hình sự cũng phải bồi thường.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu

“Việc này đã quy định rõ trong luật, không phải chỉ có hình sự bồi thường, dân sự cũng phải bồi thường” - ông Bình nhấn mạnh.

Phân tích về án hành chính, người đứng đầu ngành tòa án bình luận, tỷ lệ án hành chính có nhiều vấn đề, trong đó Quốc hội đã bàn rất nhiều rồi.

Nguyên do, theo Chánh án, là do tỷ lệ án hành chính thấp, kháng nghị nhiều, Chủ tịch UBND các cấp ít tham gia và bản án xử xong không được thi hành. “Đây là những tồn tại đã kéo dài trong trong nhiều năm” – Chánh án nhận định.

Để giải quyết được việc này, Chánh án nhìn nhận, phải bằng rất nhiều giải pháp. “Có những việc tòa thì muốn xử nhưng Ủy ban không tham gia thì cũng không thể xử được” – Chánh án than phiền.

Dẫn chứng ở TPHCM và Hà Nội, mỗi năm có đến gần 2.000 vụ án hành chính, Chánh án tòa tối cao cho biết, lãnh đạo 2 địa phương này kêu ca rằng nếu các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tham gia giải quyết cho được vấn đề này mà buộc phải ra Tòa thì sẽ không còn thời gian làm chuyện khác. Do đó, các vị lãnh đạo TP đã đề nghị xem xét quy định này.

“Chúng ta cần phải tổng kết để lắng nghe. Tất nhiên cũng có những địa phương có những thẩm phán dè dặt, nhưng đây không phải là nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải quyết các vụ án hành chính” – Chánh án chốt lại.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/so-luong-don-khong-danh-gia-chat-luong-nen-tu-phap_102720.html