Tòa nhà Quốc hội Vương quốc Anh cần khôi phục khẩn cấp
Các nhà lập pháp xứ sở sương mù vừa cảnh báo, Cung điện Westminster mang tính biểu tượng, nơi đặt trụ sở Quốc hội Anh, đang đối mặt với nguy cơ bị hư hại nghiêm trọng do tình trạng xuống cấp.
Cung điện Westminster là biểu tượng của nền dân chủ và lịch sử nước Anh.
Nguồn DW
Theo AP, tòa nhà lịch sử, nổi tiếng với kiến trúc lộng lẫy và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bao gồm rò rỉ, gạch xây đổ nát và ô nhiễm amiăng. Tình hình đang ở mức nguy cấp khi tiềm ẩn nguy cơ thực sự rằng một sự kiện thảm khốc có thể dẫn đến phá hủy tòa nhà trước khi công việc phục hồi có thể được hoàn thành.
Ủy ban Tài khoản công của Hạ viện Anh gần đây công bố báo cáo nhấn mạnh tính cấp bách của tình hình. Văn bản nêu bật nguy cơ hỏa hoạn liên tục của Cung điện Westminster và sự hiện diện của amiăng, khiến nó trở thành môi trường nguy hiểm cho những người làm việc tại đây. Cơ sở hạ tầng cũ kỹ của tòa nhà, với các hệ thống cơ và điện có từ những năm 1940, càng làm trầm trọng thêm những mối nguy hiểm tiềm tàng. Thực tế, các sự cố hỏa hoạn trong Nghị viện thường xuyên xảy ra ở mức đáng báo động, với 44 vụ được báo cáo kể từ năm 2016.
Ủy ban ước tính, việc sửa chữa hiện tại có thể tiêu tốn khoảng 2 triệu bảng Anh mỗi tuần. Theo Ủy ban, khoản tiền này là đáng kể, song sự chậm trễ hơn nữa sẽ chỉ dẫn đến chi phí lớn hơn cho người nộp thuế. Việc thiếu hành động quyết đoán cho đến nay đã dẫn đến nhiều năm trì hoãn, cản trở tiến độ và làm trầm trọng thêm rủi ro.
Vào năm 2018, các nhà lập pháp từng ra quyết định quan trọng là rời khỏi trụ sở Quốc hội này vào giữa những năm 2020 để tạo điều kiện cho việc sửa chữa trên diện rộng có thể mất vài năm. Tuy nhiên, kể từ đó, nhiều cuộc tranh luận và bất đồng giữa các nhà lập pháp liên quan đến kế hoạch di dời đã diễn ra, với một số người ủng hộ việc ở lại tòa nhà lịch sử. Bất hòa nội bộ đó góp phần gây ra sự chậm trễ và cản trở việc thực hiện hiệu quả dự án khôi phục.
Chưa hết, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát dự án sửa chữa tòa nhà còn bị giải tán vào năm ngoái, càng cản trở tiến độ và làm dấy lên lo ngại về việc thiếu cách tiếp cận tập trung và phối hợp. Sự vắng mặt của một cơ quan chuyên trách để hướng dẫn, thực hiện các nỗ lực khôi phục làm tăng thêm nguy cơ trong tương lai của Cung điện Westminster.
Cung điện Westminster, do kiến trúc sư nổi tiếng Charles Barry thiết kế theo phong cách tân Gothic, được xây dựng sau khi tòa nhà trước đó bị hỏa hoạn thiêu rụi vào năm 1834. Tình trạng tồi tệ hiện tại của tòa nhà hiện nay đặt ra thách thức lớn đối với việc bảo tồn biểu tượng của nền dân chủ và lịch sử nước Anh này.