Tòa tháp đá nghìn năm tuổi bị đánh cắp
Ngày 24 tháng 3, một cơn bão cát quét qua huyện Hoa Trì, bão cát thổi liền trong 3 ngày, chiều ngày 26 tháng 3, người được thuê trông coi chùa Song Tháp là ông Cao Dân nhà ở dưới chân đồi nhìn lên chùa chỉ thấy có một tòa tháp, lúc đầu ông nghi là bão cát đã làm đổ một tòa tháp nên vội vàng lên xem thực hư thế nào thì không khỏi ngạc nhiên khi thấy 8 tầng trên của tháp số 1 đã biến mất!
Chùa Song Tháp được xây dựng vào thời Bắc Tống (1086-1094) có lịch sử gần một nghìn năm vì trong sân chùa có hai tòa tháp đá nên ngôi chùa được đặt tên là chùa Song Tháp. Hai tòa tháp được làm bằng đá sa thạch đỏ của địa phương, được thiết kế công phu, kỹ thuật chế tác đá tinh xảo, khi xây dựng tháp không có bất cứ chất kết dính nào được sử dụng, các tầng tháp được tạc từ đá khối xếp chồng lên nhau, liên kết chặt chẽ thành khối như kiểu xếp hình, chặt khít như một khối nguyên vẹn. Hai tòa tháp đều có 13 tầng, tháp số 1 cao 13,1 mét, tháp số 2 cao 12,58 mét, hai tháp cách nhau khoảng 8 mét nên còn được gọi là "Tháp chị em".
Bảo vật quốc gia bị mất, ông Cao Dân vô cùng hoảng hốt vội trình báo vụ việc với cảnh sát Hoa Trì. Lãnh đạo Công an huyện lập tức đến hiện trường nhưng bão cát đã xóa sạch dấu vết của bọn trộm, tại hiện trường chỉ còn lại một chiếc xe cải tiến và vài tấm gỗ. Cảnh sát đã tỏa ra các khu vực xung quanh thu thập manh mối nhưng qua hơn một tháng điều tra mà không có kết quả gì.
Khi vụ án có vẻ đang bế tắc thì sáng ngày 5 tháng 5 năm, Cảnh sát lại nhận được tin 3 tầng tháp cuối cùng của tòa tháp số 1 lại bị đánh cắp vào tối ngày mùng 4. Cảnh sát lập tức đến hiện trường, sau khi điều tra và phân tích thì xe của bọn trộm chỉ rời khỏi hiện trường độ ba bốn tiếng, Cảnh sát lập tức truy đuổi theo hướng chạy của bọn trộm.
Trong quá trình điều tra, Cảnh sát đã thu được manh mối có giá trị tại trạm kiểm lâm Đông Hoa Trì: Lúc 11 giờ đêm ngày 4 tháng 5, một chiếc xe tải mang biển số R 36327 và chiếc xe jeep màu sữa đi qua trạm nghi là của bọn tội phạm.
Biển số xe R là biển số của thành phố Nam Dương tỉnh Hà Nam và trinh sát lập tức đi Hà Nam phối hợp với Công an địa phương nhanh chóng tìm ra người chủ chiếc xe tải là Trương Phố người huyện Trấn Bình, trong thời gian án phát chiếc xe không có ở địa phương. Qua điều tra biết ngày 2 tháng 5, Trương Phố lái xe ra bên ngoài nhưng hướng đi không rõ. Ban chuyên án đưa Trương Phố vào tầm ngắm và đề nghị Công an địa phương giám sát chặt chẽ hắn.
Ngày 22 tháng 5, vì không chịu nổi áp lực, Trương Phố đã đến cơ quan Công an đầu thú. Trương Phố khai rằng ngày 1 tháng 5, Chu Minh người cùng thôn đến tìm anh nói là sẽ trả 9.000 tệ để anh ta đưa xe đến Hoa Trì tỉnh Cam Túc chở đá đi Quảng Châu. Khi xe đi qua Thiểm Tây, Chu Minh gọi điện liên lạc với một người đàn ông họ Lý đến cùng đi. Tối ngày 4 tháng 5, xe đến một vùng hoang vắng ở huyện Hoa Trì cùng với chiếc xe jeep màu trắng, trên xe là hai anh em họ Tào người Thiểm Tây và một số người được thuê đến để chuyển đá. Sau khi đến nơi, người đàn ông họ Lý, Chu Minh và anh em họ Tào chỉ đạo các công nhân dỡ 3 tầng tháp đá bốc lên xe. Xe đi thẳng đến Quảng Châu và chuyển hàng đến một căn nhà thuê ở trên đảo Thán Vĩ.
Ngày 25 tháng 5, Cảnh sát áp dẫn Trương Phố đến Quảng Châu tìm thấy ngôi nhà cho thuê để cất giấu tháp đá nhưng chỉ thấy dấu vết của tháp đá mà không thấy tháp đá đâu cả. Cảnh sát tiến hành điều tra và biết được ra rằng căn nhà cất giấu tháp đá là do một người đàn ông tên là Cao Kiện thuê nhưng anh ta chỉ thuê có 5 ngày, khi thuê Cao Kiện không dùng chứng minh thư, có người nhìn thấy việc bốc dỡ tháp đá không biết nó được chuyển đi đâu.
Khi vụ việc đang bế tắc, Trương Phố nói rằng Chu Minh liên lạc với người họ Lý bằng điện thoại của anh ta, Cảnh sát yêu cầu Trương gọi số đó nhưng số này không được kết nối. Sau khi điều tra, số điện thoại này được sở hữu bởi một người tên là Dương Bảo người tỉnh Hà Nam nhưng sau khi tòa tháp bị đánh cắp số này không dùng nữa. Cảnh sát đã đến công ty viễn thông điều tra và phát hiện ra rằng số điện thoại này đã thực hiện 57 cuộc đàm thoại với một người ở Diên Xuyên tỉnh Quảng Đông.
Sau khi điều tra hồ sơ cuộc gọi, Cảnh sát biết được tên thật của Dương Bảo là Triệu Vi Thần người thị trấn Vân Dương, tỉnh Hà Nam chuyên buôn bán đồ cổ. Người đàn ông họ Lý chính là người mang tên Cao Kiện thuê nhà trên đảo Thán Vĩ và là anh rể của Triệu Vi Thần. Hiện nay vẫn chưa rõ tung tích của Triệu Vi Thần và Cao Kiện. Công tác điều tra lại một lần nữa gặp khó khăn, trinh sát lại đến Trấn Bình, Hà Nam để truy lùng Chu Minh, nhưng không biết hắn đang ở đâu.
Ngày 17 tháng 6, chiến thuật tấn công mạnh mẽ của Cảnh sát đã đạt được kết quả. Chu Minh đã gửi một lá thư từ Quảng Đông đến Cục Công an huyện Hoa Trì. Trong thư hắn nói rằng hắn và một số người liên quan đến vụ đánh cắp tháp đá gồm có Cao Kiện, Triệu Vi Thần và hai anh em họ Tào còn anh ta chỉ là người giúp thuê xe và thuê người. Chu Minh còn nói: "Các anh không nên tìm tôi nữa, khi các anh nhận được thư này thì tôi đã ở nước ngoài rồi".
Ban chuyên án lập tức cử trinh sát đi bắt anh em họ Tào nhưng chỉ bắt được Tào Diên còn anh trai của hắn là Tào Thanh đã bỏ trốn sau khi nghe tin đồn.
Tào Diên khai rằng đầu tháng 3, Mã Triệu nhờ anh em nhà họ Tào dò hỏi về những ngôi chùa cổ bằng đá ở phía Bắc Thiểm Tây, Tào Diên biết được ở chùa Song Tháp huyện Hoa Trì có một đôi tháp đá và bọn chúng đã đến chùa chụp ảnh. Tối ngày 24 tháng 3, hai anh em họ Tào, Triệu Vi Thần, Mã Triệu, Cao Kiện và những người khác đánh xe đến chùa đánh cắp 8 tầng trên của tháp số 1 và chở đi Quảng Châu. Đêm ngày 4 tháng 5, Cao Kiện, Chu Minh và anh em họ Tào Cao lại đến chùa lần thứ hai lấy trộm nốt ba tầng dưới để tháp được hoàn chỉnh, ba tầng dưới này được chuyển ngay đi Quảng Châu để cất giấu.
Cho đến nay, tình tiết về vụ trộm tháp đá cơ bản đã rõ ràng. Theo lời khai của Tào Diên, 8 tầng trên của tháp số 1 Triệu Vi Thần đã bán nó cho một doanh nhân Đài Loan là A Phiên với giá 260.000 tệ và A Phiên lại bán nó cho một ngôi chùa ở Đài Loan. Sau khi vụ việc trộm cắp tòa tháp được đăng trên các Báo Nhân dân nhật báo và nhiều báo khác, A Phiên biết tòa tháp còn có 3 tầng dưới nữa và yêu cầu Triệu Vi Thần đánh cắp nốt nên bọn chúng lại đến chùa Song Tháp đánh cắp 3 tầng dưới của tháp bán cho A Phiên với giá 115.000 tệ.
Khi được biết tin tòa tháp đã được bán cho Đài Loan nhưng Cảnh sát vẫn không bỏ cuộc. Sau khi điều tra phía Cảnh sát biết được một người phụ nữ tên là A Trinh ở huyện Nhiêu Bình, Quảng Đông là người buôn bán trái phép cổ vật có quan hệ đặc biệt thân thiết với A Phiên. Ngày 24 tháng 7, Cảnh sát bắt A Trinh tại Quảng Đông và cô ta đã khai nhận có tham gia vào vụ buôn bán tòa tháp cho doanh nhân Đài Loan, sau đó tòa tháp lại được bán cho một ngôi chùa ở Cao Hùng, Đài Loan,
Để thu hồi được tòa tháp đánh cắp, ban chuyên án đã nhiều lần nói với A Trinh về công tác chính sách và thuyết phục cô ấy giúp thu hồi lại tòa tháp này để chuộc tội lỗi và được hưởng sự khoan dung của pháp luật. Ban chuyên án cũng dành cho cô ta một đường dây chuyên dụng quốc tế để tiện liên hệ với A Phiên. Sau nhiều lần đàm phán, Cảnh sát hứa rằng nếu tòa tháp trở về Trung Quốc thì A Trinh sẽ được khoan hồng. Ngày 28 tháng 7, tòa tháp đã từ Đài Loan chuyển về cảng Tân Phong, các nhà chuyên môn đã xác nhận nó đúng là tháp đá của chùa Song Tháp.
Ngày 4 tháng 8 năm, một chiếc xe bưu chính đặc biệt có Cảnh sát hộ tống chở 8 thùng đựng 11 tầng tháp đá bị đánh cắp đã được vận chuyển về chùa Hoa Trì.
Vụ án kết thúc, tòa tháp đá đã được thu hồi về và được đặt đúng vào vị trí cũ. Hiện nay hai tòa tháp bình yên đứng trên sườn núi phía Đông huyện Hoa Trì, gió xuân nhè nhẹ lướt qua, "Hai chị em" mỉm cười nhìn cảnh núi sông tươi đẹp, thế giới hài hòa.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/toa-thap-da-nghin-nam-tuoi-bi-danh-cap-i679346/