Tòa từ chối luật sư vì từng soạn đơn cho bên kia
Tòa không chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của luật sư bảo vệ nguyên đơn vì trước khi tòa thụ lý vụ kiện, luật sư từng soạn đơn cho bị đơn. Quy định về chuyện này ra sao?
Mới đây, lãnh đạo TAND tỉnh Tiền Giang đã bác đơn khiếu nại của luật sư (LS) NTT (Đoàn LS tỉnh Tiền Giang) về việc HĐXX một phiên tòa dân sự phúc thẩm không chấp nhận tư cách tham gia tố tụng bảo vệ nguyên đơn của ông.
Bị đơn: LS từng tư vấn, soạn đơn
Trước đó, ngày 25-7, TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm một vụ tranh chấp dân sự. Trong phần tranh tụng, bà A. (đại diện bị đơn) nêu ý kiến không đồng ý tư cách bảo vệ nguyên đơn của LS T. với lý do: Năm 2014, LS T. từng tư vấn cho bà trong vụ án này. Bà đã trình bày hết nội dung tranh chấp cho LS T. biết. LS T. đã soạn thảo cho bà một mẫu “đơn xin xác nhận” để bà về đánh máy lại và xác nhận chữ ký nộp cho tòa.
Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét tư cách bảo vệ nguyên đơn của LS T. Sau khi hội ý, HĐXX thống nhất không chấp nhận tư cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn của LS T., đồng thời hoãn phiên tòa để nguyên đơn mời LS khác bảo vệ.
LS: “Tôi có quyền tham gia tố tụng”
Sau đó LS T. khiếu nại, cho rằng việc HĐXX không chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của ông là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Theo LS T., “đơn xin xác nhận” mà bà A. xuất trình tại phiên tòa chỉ là một bản nháp được ông soạn làm mẫu cho bà A. Bản thảo này không ghi tên bà A., những thông tin về nhân thân được chừa trống, sau này bà A. tự điền vào, tự bổ sung nội dung...
Mặt khác, sau thời điểm ông soạn mẫu “đơn xin xác nhận” cho bà A., giữa ông và bà A. không còn tồn tại bất kỳ một quan hệ dịch vụ pháp lý nào khác. Vì vậy, ông không vi phạm Quy tắc 11 của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS (LS, tổ chức hành nghề LS không nhận vụ việc của khách hàng mới có sự đối lập về quyền lợi với khách hàng mà LS đảm nhận theo hợp đồng dịch vụ pháp lý đang còn hiệu lực trong cùng một vụ án hoặc vụ việc khác theo quy định của pháp luật).
LS T. khẳng định ông không đồng thời đảm nhận hai hợp đồng dịch vụ pháp lý đang còn hiệu lực thực hiện trong cùng một vụ kiện. Trong quan hệ tranh chấp hiện nay, ông chỉ cung cấp dịch vụ pháp lý cho nguyên đơn nên không vi phạm điểm a khoản 1 Điều 9 Luật LS (cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ án) cũng như Quy tắc 11 nêu trên.
Hơn nữa, tại thời điểm ông thảo mẫu “đơn xin xác nhận”, vụ kiện chưa được tòa thụ lý, bà A. lúc đó chưa phải là bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, việc bà A. khiếu nại tư cách LS tham gia tố tụng là hoàn toàn không có căn cứ.
Ngoài ra, BLTTDS không có quy định nào không cho LS tham gia tố tụng khi LS đã được tòa chấp nhận làm người bảo vệ cho đương sự. BLTTDS chỉ quy định người tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người giám định, thành viên hội đồng định giá không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng nếu có lý do xác đáng cho rằng họ có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ (Điều 16). Vì vậy, việc HĐXX cho rằng sự tham gia của ông - một LS - trong vụ án là “không đảm bảo sự vô tư, khách quan trong việc giải quyết vụ án” là không có căn cứ pháp lý…
Một số quy tắc liên quan
- LS từ chối nhận vụ việc của khách hàng trong các trường hợp sau: Có sự xung đột về lợi ích theo Quy tắc 11.1 mà không giải quyết được nếu tiếp nhận vụ việc đó (theo Quy tắc 9.1.5 của Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp LS).
- Xung đột về lợi ích trong hành nghề LS là sự đối lập về quyền lợi vật chất hay tinh thần đã xảy ra hoặc có khả năng xảy ra giữa hai hay nhiều khách hàng của LS; giữa LS, nhân viên, vợ, chồng, con, cha mẹ, anh em của LS với khách hàng trong cùng một vụ việc hoặc trong những vụ việc khác có liên quan đến vụ việc đó(theo Quy tắc 11.1 của Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp LS).
Tòa: LS có vi phạm
Trả lời khiếu nại, lãnh đạo TAND tỉnh Tiền Giang cho rằng nội dung “đơn xin xác nhận” do LS T. soạn thảo đã được bị đơn đánh máy, có xác nhận chữ ký và nộp trong hồ sơ vụ án (bút lục 78). Như vậy LS T. đã cung cấp dịch vụ pháp lý cho bị đơn theo Điều 4 Luật LS: “Dịch vụ pháp lý của LS bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác”.
Căn cứ vào khoản 7 Điều 76 BLTTDS (về quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự), tòa cho rằng LS T. đã vi phạm điểm a khoản 1 Điều 9 Luật LS. Đồng thời, LS T. đã vi phạm Quy tắc 9, Quy tắc 11 của Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp LS. Từ đó, tòa khẳng định việc HĐXX không chấp nhận tư cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn của LS T. là có căn cứ, đúng pháp luật.
Chuyên gia: Còn tranh cãi!
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia cũng có những quan điểm khác nhau.
LS Nông Minh Đức (Đoàn LS TP.HCM) nhận xét việc LS T. thảo mẫu “đơn xin xác nhận” dựa trên thông tin vụ việc bà A. cung cấp là một hình thức tư vấn pháp lý. Giữa hai bên đã tồn tại một hợp đồng dịch vụ pháp lý (dù không bằng văn bản) nên việc tòa xác định LS T. cung cấp dịch vụ pháp lý cho bà A. là có cơ sở. Khi LS T. tham gia bảo vệ nguyên đơn - người đối lập lợi ích với bà A - là đã có sự xung đột về lợi ích nên tòa không chấp nhận là có căn cứ.
Ngược lại, LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) nói việc tòa xác định LS T. “cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án” là không thỏa đáng. Bởi thời điểm LS T. soạn đơn cho bà A. thì vụ kiện chưa được tòa thụ lý. Khi vụ kiện được thụ lý thì LS T. chỉ tham gia với tư cách bảo vệ một bên chứ không đồng thời đảm nhận hai hợp đồng dịch vụ pháp lý đối lập lợi ích đang còn hiệu lực trong cùng một vụ án. Hơn nữa, pháp luật không hạn chế quyền tư vấn của LS. “LS T. có thể kiến nghị nhờ Liên đoàn LS Việt Nam bảo vệ mình. Tuy nhiên, nếu linh hoạt thì ông ấy có thể từ chối tham gia nhằm tránh sự hiểu lầm của các bên và phát sinh xung đột không đáng có” - LS Tuấn nói.
Đồng tình, LS Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam) phân tích thêm: BLTTDS không có quy định là tòa được quyền không chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của LS T. sau khi đã đăng ký cho ông làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Việc tòa không chấp nhận cho LS T. tham gia tố tụng là trái luật.
Trong khi đó, đồng tình với nhận định của tòa về việc LS T. vi phạm Luật LS cũng như Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp LS nhưng ThS Huỳnh Quang Thuận (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng không có cơ sở pháp lý để HĐXX hoãn phiên tòa cho nguyên đơn thay đổi người bảo vệ khác. Bởi lẽ BLTTDS chỉ có quy định thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch mà không có quy định thay đổi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Mặt khác, HĐXX phúc thẩm chỉ hoãn phiên tòa trong các trường hợp thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch hoặc các chủ thể khác được triệu tập nhưng vắng mặt theo các điều 56, 62, 84 và 296. “Đây là thiếu sót của pháp luật, cần sớm được khắc phục” - ThS Thuận nhận xét.
Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/toa-tu-choi-luat-su-vi-tung-soan-don-cho-ben-kia-733850.html