Tòa xử vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang- Nhiều nhân chứng 'VIP' vắng mặt
Sáng nay 14-10, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Giang đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo trong vụ gian lận, nâng điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang sau gần 1 tháng tạm hoãn.
Đây là vụ án được dư luận rất quan tâm khi hầu hết các bị cáo bị đưa ra xét xử đều từng giữ những vị trí lãnh đạo trong ngành giáo dục tại tỉnh Hà Giang. Cùng với đó vụ án này cũng có liên quan tới nhiều cán bộ, đảng viên ở Hà Giang có con em, người thân được nâng điểm, hoặc có tác động để được nâng điểm trong kỳ thi trên. Do vậy ngay từ đầu giờ sáng an ninh tại phiên tòa đã được thắt chặt nghiêm ngặt.
Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Vương Thị Thu Hà.
5 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) Hà Giang) và Vũ Trọng Lương (cựu Phó trưởng phòng Khảo thí) bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Phạm Văn Khuông (cựu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang) và Lê Thị Dung (cựu Phó Đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) bị truy tố tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Riêng bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang) bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Để phục vụ cho quá trình xét xử và làm rõ thêm các tình tiết của vụ án, TAND tỉnh Hà Giang đã triệu tập 187 người tới tòa. Tuy nhiên trong phiên khai tòa sáng nay chỉ có 86 người có mặt, 82 người có đơn xin vắng mặt và 19 người vắng mặt không có lý do.
Đáng chú ý, trong số những người được triệu tập tới tòa với tư cách là người làm chứng có bà Phạm Thị Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang. Bà Hà cũng là vợ ông Triệu Tài Vinh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và hiện là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương). Bà Hà có đơn xin được vắng mặt tại phiên tòa.
Mặc dù nhiều người làm chứng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt nhưng Hội đồng xét xử quyết định phiên tòa vẫn xét xử bình thường.
Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc và thống nhất với Vũ Trọng Lương việc sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh. Hoài đã lập danh sách và chuyển cho Lương xử lý bài thi trắc nghiệm, nhằm nâng điểm cho 93 thí sinh. Bị cáo Vũ Trọng Lương đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, trực tiếp nâng điểm cho 107 thí sinh với tổng số 309 bài thi.
Riêng bị cáo Triệu Thị Chính bị cáo buộc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Bà Chính cũng đã chuyển danh sách 13 thí sinh cho Hoài nhờ nâng điểm và xem điểm thi.
Bị cáo Phạm Văn Khuông đã nhờ Hoài nâng điểm cho con trai để có thể tốt nghiệp và đạt nguyện vọng vào trường Đại học Y Thái Bình.
Đối với hành vi của Lê Thị Dung do có mối quan hệ thân thiết, Dung đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh, thậm chí Dung còn nhờ Hoài xem xét nâng điểm cho cả những bài thi môn Ngữ văn (không phải là môn thi trắc nghiệm).
Cáo trạng cũng nêu rõ, quá trình điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra không thu thập được chứng cứ chứng minh có vụ lợi hay tiền bạc trong vụ án. Công an cũng đấu tranh với gia đình các thí sinh, nhưng không ai khai nhận đưa tiền hay vật chất để nhờ nâng điểm.
Cũng liên quan tới vụ án này, ngoài 5 bị cáo nêu trên phải ra hầu tòa thì mới đây Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Giang đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật 151 cán bộ, đảng viên liên quan.
Đáng lưu ý, trong số những cán bộ, đảng viên có vi phạm có khuyết điểm nêu trên có tới 29 người chỉ bị yêu cầu kiểm điểm bằng hình thức "nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc", trong đó có bà Phạm Thị Hà. Kết quả kiểm tra cho thấy, bà Hà đã để em chồng tác động cho con gái được nâng điểm thi nên chỉ bị "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm" tại Chi bộ và Đảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang. Còn người tác động bà Hà để con gái được nâng điểm là bà Triệu Thị Giang- Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang và là em gái ông Vinh cũng chỉ bị khiển trách.
Theo kế hoạch phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận, nâng điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang sẽ kéo dài trong 3 ngày.