Toàn bộ Chính phủ Lebanon từ chức, thảm họa Beirut vẫn chưa thể giải quyết
Thủ tướng Hassan Diab cùng các bộ trưởng đương nhiệm của Lebanon đã thông báo từ chức, trước sức ép từ làn sóng phẫn nộ của người dân đến sau vụ nổ phá tan thủ đô Beirut hôm 4/8.
"Hôm nay, chúng tôi tuân theo ý muốn của người dân về yêu cầu truy cứu những người chịu trách nhiệm cho thảm họa này, những người đã trốn tránh suốt 7 năm", Thủ tướng Diab phát biểu trong thông báo từ chức của Chính phủ do ông đứng đầu - chỉ mới được thành lập hồi tháng 1 với sự hậu thuẫn của phong trào Hồi giáo Hezbollah.
Theo ông Diab, vụ nổ ở cảng Beirut tàn phá thủ đô và gây phẫn nộ dư luận là "hậu quả của nạn tham nhũng", và tham nhũng ở Lebanon quá nghiêm trọng, đã trở thành "một bức tường do một tầng lớp đang dùng mọi cách bẩn thỉu để chống lại và bảo toàn lợi ích của mình".
Ông Diab nói rằng ông đang "lùi một bước" để sát cánh cùng người dân trong cuộc chiến thay đổi đất nước, nhấn mạnh những người chịu trách nhiệm sẽ phải cảm thấy xấu hổ bởi hành động của họ đã dẫn tới thảm kịch “không thể tả nổi”.
Động thái diễn ra giữa lúc sự bất bình và giận dữ của công chúng cũng như ngay cả trong các thành viên nội các ngày càng gia tăng sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut. Các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn ở Lebanon đã kéo sang ngày thứ 3, trong khi có tới 4 bộ trưởng đã quyết định từ chức. Luật pháp Lebanon yêu cầu giải tán Chính phủ và thành lập nội các mới nếu có ít nhất 7/20 bộ trưởng từ chức.
Vụ nổ kinh hoàng hôm 4/8 thực sự đã giáng một đòn mạnh, đẩy nền kinh tế đến bờ vực khi ước tính thiệt hại lên đến 15 tỷ USD, khiến cuộc khủng hoảng ở nước này càng thêm trầm trọng. Vụ việc cũng cho thấy vấn nạn tham nhũng và quản lý kém cỏi của các cơ quan nhà nước, khi để kho phân bón amoni nitrat tồn tại ở cảng Beirut mà không có biện pháp an toàn trong suốt 6 năm.
Một hội nghị hỗ trợ quốc tế diễn ra hôm 9/8 đã cam kết viện trợ nhân đạo ngay lập tức gần 253 triệu euro (298 triệu USD) cho Lebanon, song những nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu tính minh bạch về hoạt động sử dụng số tiền cứu trợ này, nhằm đảm bảo nguồn tiền thực sự đến được với người dân đang thiếu thốn trong bối cảnh tham nhũng hoành hành.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun đã chấp nhận đơn từ chức, đồng thời đề nghị Chính phủ Thủ tướng Diab tiếp tục điều hành đất nước cho tới khi chính phủ mới được thành lập. Tổng thống Aoun cũng thừa nhận hệ thống chính trị nước này đang bị "tê liệt" và cần phải được xem xét lại sau vụ nổ. Ông cam kết nhanh chóng giải quyết vụ việc, nhưng từ chối lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế, nói rằng đó là một nỗ lực nhằm "làm suy giảm sự thật".