Toàn cảnh hoạt động tinh gọn bộ máy sau hơn 2 tháng triển khai
Sau hơn hai tháng triển khai ở tất cả các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương với tinh thần đổi mới trong tư duy, hành động, hoạt động tinh gọn bộ máy đã đạt được những kết quả bước đầu, bảo đảm theo đúng chủ trương, định hướng của Trung ương.
Hội nghị Trung ương vừa diễn ra (23 và 24-1) đã thống nhất cao với Báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, Bộ Chính trị xác định sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một cuộc cách mạng.
Điểm khởi đầu
Trong phát biểu phiên bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu các bộ, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải có quyết tâm chính trị rất cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Nghiên cứu thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn, mở rộng không gian phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kiên quyết xóa bỏ cấp trung gian.
Cùng với đó là khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo, phát triển; tăng cường kiểm tra, giám sát, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Đó là những chỉ đạo, quyết sách mang tính quyết định với tiến trình phát triển, để đất nước thực sự vươn mình vào kỷ nguyên mới. Có lẽ, điểm mở ra những quyết sách quan trọng này là ngày 5-11-2024 khi Người đứng đầu Đảng có bài viết mang tựa đề tinh-gọn-mạnh, hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả.
Trong bài viết, ông chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những hệ quả mà điều này gây ra đối với sự phát triển của đời sống, kinh tế - xã hội…
Khi đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc đến mục tiêu chiến lược 100 năm và yêu cầu thực hiện ba công tác trọng tâm. Cụ thể, xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đặc biệt cần khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp.
Song song đó là tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, phải gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Không để cơ quan nhà nước là ‘vùng trú ẩn an toàn’ cho cán bộ yếu kém.
Quyết tâm chính trị cao nhất trong tinh gọn bộ máy
Hơn 10 ngày sau, ngày 16-11-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ. Các phiên họp của Ban Chỉ đạo liên tục được diễn ra để bàn, quyết định về cơ cấu bộ máy của Chính phủ để làm sao vừa tinh-gọn-mạnh nhưng cũng vừa hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trung ương ngày 19-11-2024 cũng đã họp phiên đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18. Trong phiên họp này, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức. Do đó, ông yêu cầu cần phải có sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.
Muốn vậy, theo ông, phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tăng cường công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy trong tình hình mới.
Đến ngày 25-11, Trung ương họp để cho ý kiến về công tác tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy. Một tuần sau (ngày 1-12), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước.
Theo Tổng Bí thư, nhiều Đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay. Điều đó cho thấy Đảng đã nhìn ra và thấy cần phải thực hiện nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra.
“Đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó” - Tổng Bí thư Tô Lâm nói và khẳng định chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u". Ông đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này.
Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng
Tổng Bí thư cũng yêu cầu cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần ‘vừa chạy vừa xếp hàng’; ‘Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở’; ‘Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng’. Đồng thời đề ra mục tiêu cũng như thời gian cho các bộ, ngành hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I-2025.
Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương, Tổng Bí thư Tô Lâm khi đó đã khẳng định thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với Nhân dân.
Sau hội nghị này, cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ với tinh thần mới trong thực hiện các chủ trương lớn, có tính chất đột phá cho sự phát triển của đất nước.
Những kết quả bước đầu
Theo đề án đã được Trung ương thống nhất thông qua, tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ (giảm 5 bộ ngành, 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ).
Gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính (hợp nhất Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính), Bộ Xây dựng (hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT), Bộ KH&CN (hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN), Bộ Nội vụ (hợp nhất Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Nội vụ), Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Năm cơ quan thuộc Chính phủ gồm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Với bộ máy bên trong, giảm 13/13 tổng cục và tương đương, 519 cục và tổ chức tương đương, 219 vụ và tổ chức tương đương, 3.303 chi cục và tương đương. Các bộ, ngành còn giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó giảm 79 đơn vị trong cơ cấu tổ chức tại nghị định của Chính phủ.
Song song với việc giảm này, cán bộ cấp trưởng cũng sẽ giảm tương ứng là 5 bộ trưởng, 3 thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ, 13 tổng cục trưởng, 519 cục trưởng, 219 vụ trưởng và gần 3.303 chi cục trưởng…
Trung ương cũng đồng ý chủ trương tổ chức lại hệ thống thanh tra trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Thanh tra Chính phủ và hệ thống các cơ quan thanh tra địa phương, thanh tra chuyên ngành hiện nay.
Cạnh đó là sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương theo hướng "tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở", không tổ chức công an cấp huyện. Riêng đối với những huyện đảo bố trí đồn công an (do không có đơn vị hành chính cấp xã). Thí điểm không lập tổ chức đảng ở công an quận, huyện, thị xã, TP trực thuộc tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, 63 địa phương đã hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm tương đồng với việc sắp xếp các bộ, ngành ở Trung ương.
Ở khối Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại kết thúc hoạt động và chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc phòng, An ninh, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao; đổi tên Ủy ban Quốc phòng và An ninh thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.
Sáp nhập Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp thành Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa và Xã hội.
Đổi tên và nâng cấp hai cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội; Ban Công tác đại biểu thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.
Đối với các cơ quan của Đảng, kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Bộ Ngoại giao và Đảng ủy Bộ Ngoại giao.
Kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương; ở cấp tỉnh.
Thành lập bốn Đảng bộ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương; Đảng bộ Quốc hội; Đảng bộ Chính phủ; Đảng bộ MTTQ, các đoàn thể Trung ương.
Hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương. Đồng thời, bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ mới và đổi tên Ban Kinh tế Trung ương thành Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.
Còn đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cũng kết thúc hoạt động Đảng đoàn MTTQ Việt Nam cùng 10 Đảng đoàn khác. Thay vào đó, sẽ thành lập Đảng ủy MTTQ và đoàn thể Trung ương, dự kiến có 30 đầu mối.
Đổi mới trong tư duy, hành động
Nhìn lại quá trình thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy trong hơn hai tháng qua có thể thấy được tinh thần quyết liệt, khẩn trương “vừa chạy vừa xếp hàng” của các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương. Song song với việc lên phương án sắp xếp cũng đã chủ động sắp xếp luôn, chứ không còn cảnh "chờ quyết định cuối cùng" của cấp có thẩm quyền mới triển khai. Điều này thể hiện sự đổi mới về tư duy, hành động trong thực hiện những quyết sách quan trọng, liên quan đến vận mệnh của đất nước trong tương lai.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ, cơ hội chiến lược, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt các mục tiêu chiến lược 100 năm. “Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân. Đó là mệnh lệnh của thời đại” – Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, có lẽ không thể không nhắc tới tinh thần hi sinh của nhiều cán bộ. Họ đã tự nguyện xin nghỉ sớm, nghỉ trước hưu dù còn nhiều năm công tác để tạo điều kiện cho việc bố trí nhân sự phù hợp, bố trí những nhân sự trẻ... để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới của các cấp.
Cùng đó là sự tiên phong gương mẫu trong thực hiện tinh gọn từ chính các cơ quan của Đảng. Chỉ một tháng sau Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18, ngày 30-12-2024, Bộ Chính trị đã đã công bố các quyết định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể ở Trung ương.
Có lẽ, không có cuộc cách mạng nào mà không có khó khăn, thậm chí là gặp phải lực cản quyết liệt. Tuy nhiên, từng cấp, từng ngành, từng địa phương, mỗi vị trí cán bộ cần xác định tâm thế rõ ràng để công cuộc này được thực hiện thành công, để cùng nhau hướng về một mục tiêu chung nhất như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “đích đến của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Quốc hội họp bất thường sẽ bàn nhiều nội dung về tổ chức bộ máy
Dự kiến, từ ngày 12-2 đến 17-2, Quốc hội sẽ họp bất thường lần thứ 9 để xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy.
Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Các dự thảo luật liên quan đến bộ máy cũng được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật…