Toàn cảnh siêu đô thị TP.HCM sau sáp nhập
Sau sáp nhập với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM trở thành siêu đô thị lớn nhất cả nước, với diện tích tự nhiên hơn 6.722km2, dân số hơn 14 triệu người.

Từ ngày 1/7/2025, TP.HCM mới chính thức ra đời trên cơ sở hợp nhất Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau sáp nhập, TP.HCM có 168 phường, xã, đặc khu. Trung tâm hành chính đặt tại TP.HCM.

Với việc hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM trở thành siêu đô thị đa trung tâm lớn nhất cả nước, với diện tích tự nhiên hơn 6.722km2, dân số hơn 14 triệu người.

Trụ sở UBND TP.HCM đặt tại phường Sài Gòn. Phường Sài Gòn được hình thành trên cơ sở toàn bộ địa bàn phường Bến Nghé, một phần phường Đa Kao (gồm các khu phố 5, 6, 8 và một phần khu phố 4, 10) cùng khu phố 1 của phường Nguyễn Thái Bình.

TP.HCM, nơi quy tụ những tòa cao ốc chọc trời, dòng xe tấp nập và nhịp sống sôi động. Đây được xem là “trái tim” của đô thị đa trung tâm, hội tụ các hoạt động hành chính, tài chính và dịch vụ cao cấp bậc nhất cả nước.

Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), biểu tượng của sự phát triển hiện đại, đánh dấu bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng và giải quyết các vấn đề ùn tắc, ô nhiễm. Sau này, siêu đô thị sẽ có thêm nhiều tuyến Metro để kết nối đồng bộ, nâng tầm cuộc sống của người dân.

Nhắc đến TP.HCM phải nhắc đến Khu đô thị Thủ Thiêm, nơi được định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Với nhiều công trình biểu tượng như Trung tâm tài chính, quảng trường, nhà hát, khách sạn cao cấp, công viên sáng tạo… nơi đây được ví như cánh tay nối dài, tiếp sức cho TP.HCM vươn tầm khu vực.

Các cụm cảng và kho bãi trọng điểm như Trường Thọ, Cát Lái, Hiệp Phước, Tân Cảng… đóng vai trò đầu mối logistics quan trọng cho khu vực phía Nam và cả nước.

Ở phía Bắc, tỉnh Bình Dương cũ nổi bật với các khu công nghiệp quy mô như VSIP, Sóng Thần, Mỹ Phước... Đây là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, nhất là các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, và KCN sinh thái.

Sau khi sáp nhập với TP.HCM, vùng đất này được ví như “hổ mọc thêm cánh”, tiếp thêm động lực để bứt phá mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp và dịch vụ, góp phần nâng tầm vị thế siêu đô thị đa trung tâm.

Trong tương lai, các tuyến cao tốc trọng điểm như: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Mộc Bài, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… đang được đầu tư nâng cấp mạnh mẽ. Song song đó, đường Vành đai 3, Vành đai 4, Quốc lộ 13 mở rộng và các tuyến đường liên kết trục công nghiệp - cảng biển được kỳ vọng sẽ gỡ điểm nghẽn, tạo xung lực phát triển mới, đóng góp vào động lực tăng trưởng kinh tế chung của TP.HCM và cả nước.

Phía Đông Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ với biển xanh, cảng nước sâu, năng lượng và du lịch... mang đến cho TP.HCM một luồng gió mới. Đây cũng là cửa ngõ ra biển Đông, nơi tập trung hệ thống cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, có khả năng đón tàu trọng tải lớn và đóng vai trò then chốt trong chuỗi logistics khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh kinh tế cảng biển, Vũng Tàu còn là trung tâm công nghiệp dầu khí, năng lượng tái tạo và là một trong những điểm đến du lịch biển hấp dẫn bậc nhất miền Nam. Thời gian tới, khu vực này sẽ góp phần hoàn chỉnh cấu trúc đa trung tâm của TP.HCM, kết nối giữa đô thị, cảng biển, công nghiệp và du lịch trong một chỉnh thể hài hòa.

Có thể nói rằng, sau sáp nhập, TP.HCM mở rộng vượt bậc về quy mô và tầm vóc, kết nối chặt chẽ công nghiệp - cảng biển - tài chính - du lịch để trở thành siêu đô thị mạnh nhất cả nước.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, việc sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM không phải là sự cộng gộp đơn thuần, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, để hình thành một siêu đô thị - trung tâm tài chính, sản xuất, logistics, đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới".
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/toan-canh-sieu-do-thi-tp-hcm-sau-sap-nhap-485066.html