Chủ tịch Đặc khu Phú Quốc muốn tăng biên chế, nhân lực giải phóng mặt bằng
Sau khi chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp, với khối lượng công việc khổng lồ, Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quốc phải ký trung bình 1.000 hồ sơ mỗi ngày, cùng hàng trăm dự án chờ giải phóng mặt bằng, nên đối mặt nhiều áp lực về nhân lực, cơ sở vật chất.
Phú Quốc cần thêm nhân lực
Ngày 8/7, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Hồ Văn Mừng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình vận hành mô hình mới của đặc khu Phú Quốc.

Quang cảnh buổi làm việc.
Ông Trần Minh Khoa - Chủ tịch UBND Đặc khu Phú Quốc cho biết, sau 1 tuần vận hành chính quyền đặc khu, bước đầu công việc diễn ra thuận lợi. Đặc khu giữ nguyên diện tích 589 km² khi thành lập, địa giới không bị chia cắt, nên tổ chức bộ máy, nhân sự, địa giới hành chính gần như không có xáo trộn lớn.
Tuy nhiên, sau khi chỉ còn 1 cấp chính quyền, trung tâm hành chính đặt tại Dương Đông, khoảng cách với khu vực Bắc và Nam đảo hơn 30km (về mỗi hướng), nên người dân đi lại giải quyết thủ tục cũng có những khó khăn. Cùng đó, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính tăng đột biến, chỉ trong tuần đầu tháng 7 đã tăng 70%, gần gấp đôi so với trước.
Để giải quyết, Đặc khu đã thành lập thêm 7 tổ tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở các xã, phường cũ để giảm tải cho Trung tâm phục vụ hành chính công.
Hiện, Trung tâm phục vụ hành chính công của đặc khu có 19 quầy giải quyết thủ tục, bao gồm công an, bưu điện, bảo hiểm xã hội, dự kiến cần mở rộng lên hơn 25 quầy mới đáp ứng đủ nhu cầu. Địa phương đang điều động cán bộ có kinh nghiệm từ cấp xã, phường cũ để bổ sung nhân lực, đồng thời đầu tư thêm thiết bị vì nhiều phần mềm, hệ thống đã quá tải, gây chậm trễ giải quyết hồ sơ.
Ông Khoa cho biết, mỗi ngày ông và Phó Chủ tịch phải ký khoảng 1.000 hồ sơ, dù đã có quy định phân cấp, ủy quyền. Tuy nhiên, một số nội dung UBND tỉnh chưa trình HĐND tỉnh ban hành danh mục ủy quyền nên chưa thể thực hiện. Ông kiến nghị tỉnh sớm trình ban hành danh mục này để Chủ tịch UBND đặc khu có thể phân cấp, giao nhiệm vụ, giảm tải khối lượng công việc.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Hồ Văn Mừng kiểm tra tình hình hoạt động tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công đặc khu Phú Quốc.
Cũng theo lãnh đạo UBND đặc khu Phú Quốc, hiện có tới 321 dự án cần giải phóng mặt bằng, trong khi biên chế đặc khu vẫn như các xã, phường khác. Ông Khoa đề nghị tỉnh quan tâm, điều động, biệt phái thêm lực lượng, đặc biệt cán bộ lĩnh vực tài nguyên - môi trường, đô thị, kinh tế, hạ tầng để kịp tiến độ giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, bồi thường, tái định cư - các khâu dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Với các dự án phục vụ APEC năm 2027, theo ông Khoa, khối lượng vật liệu xây dựng, vật tư vận chuyển ra đảo rất lớn, trong khi các cảng chính như Vịnh Đầm chưa hoàn thành, các cảng phụ chỉ tạm bợ. Ông Khoa đề nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh giao đặc khu quản lý, vận hành cảng hành khách quốc tế Dương Đông để thuận lợi hơn, đặc biệt trong mùa APEC.

Ông Trần Minh Khoa - Chủ tịch UBND Đặc khu Phú Quốc
Phú Quốc phải chủ động hơn
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Hồ Văn Mừng cho rằng, Phú Quốc đóng vai trò đặc biệt với sự phát triển của tỉnh. Thu ngân sách của tỉnh An Giang sau hợp nhất khoảng 25.000 tỷ đồng/năm, trong đó Phú Quốc đóng góp tới 9.000 tỷ đồng. Với công tác chuẩn bị cho APEC đã được đặc khu triển khai tích cực, đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, ông Mừng lưu ý, vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Một phần thuộc trách nhiệm, sự chủ động của đặc khu và sự hỗ trợ từ tỉnh, Trung ương. Do đó, trong thẩm quyền của mình, Phú Quốc cần chủ động, trách nhiệm hơn nữa.
Ông Mừng cũng giao các sở ngành liên quan cần hoàn thiện điều kiện để Đặc khu hoạt động theo đúng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt các nội dung về phân cấp, ủy quyền. Hiện, Chính phủ đã ban hành 29 Nghị định phân cấp từ bộ, ngành về tỉnh, từ tỉnh về cấp xã, đặc khu, các địa phương cần nắm chắc để thực hiện, tránh đùn đẩy trách nhiệm.

Ông Hồ Văn Mừng - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Huy.
“Thành lập chính quyền địa phương 2 cấp để phục vụ người dân nhanh hơn, tốt hơn. Nếu thành lập mà gây khó khăn hơn thì không đúng mục tiêu”, ông Mừng nhấn mạnh. Ông ghi nhận Phú Quốc đã triển khai nhiều mô hình hay, giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả, cần tiếp tục mở rộng bộ máy, tăng cường nhân lực.
Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng yêu cầu chính quyền đặc khu Phú Quốc báo cáo tỉnh về mô hình hoạt động của đặc khu, để tổng hợp, báo cáo Trung ương, Bộ Nội vụ. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát trong lĩnh vực đất đai, xử lý nghiêm sai phạm, đặc biệt hành vi lấn chiếm đất công, xây dựng không phép...
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang lưu ý, đặc khu cần quan tâm đời sống nhân dân, việc làm, giáo dục, sức khỏe, đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu lao động khi các dự án mới được triển khai thời gian tới.