Toàn cảnh thắng lợi chớp nhoáng của ông Trump

Ông Trump giành thắng lợi sớm cho chính sách đối ngoại gây sức ép thuế quan và quyền lực cứng sau khi Colombia lùi bước trong đối đầu về các chuyến bay hồi hương người di cư.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Colombia Gustavo Petro. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Colombia Gustavo Petro. Ảnh: Reuters.

Hôm 26/1, Mỹ và Colombia - những đối tác thân thiết lâu năm trong hợp tác chống ma túy - đã mâu thuẫn với nhau trong vấn đề trục xuất người nhập cư và áp thuế. Trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Colombia Gustavo Petro đưa ra một loạt bài viết nhằm bảo vệ quan điểm riêng về vấn đề di cư.

Ông Petro cáo buộc ông Trump đối xử thiếu tôn trọng với người nhập cư trong quá trình trục xuất và tuyên bố tăng 25% thuế quan với hàng hóa của Mỹ. Trước đó, ông Trump ra lệnh hạn chế thị thực, áp thuế 25% với tất cả hàng hóa Colombia. Mức thuế này tăng lên 50% trong một tuần và nhiều biện pháp khác sẽ được áp dụng sau khi ông Petro từ chối hai máy bay quân sự Mỹ chở người di cư đến Colombia.

AP nhận định những diễn biến này vẽ ra những lời cảnh báo cho các quốc gia khác nếu họ tỏ thái độ với các chính sách nhập cư của chính quyền Donald Trump.

Trả đũa qua lại

Tổng thống Mỹ nói các chính sách này là cần thiết vì quyết định của người đồng cấp Colombia "gây nguy hiểm" cho an ninh quốc gia.

"Những biện pháp này chỉ là khởi đầu", ông Trump viết trên nền tảng mạng xã hội Truth Social. "Chúng tôi sẽ không cho phép chính phủ Colombia vi phạm các nghĩa vụ pháp lý liên quan đến việc tiếp nhận và trả lại những tên tội phạm lưu trú tại Mỹ".

Cuối ngày 26/1, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố sẽ cho phép hạn chế thị thực với các quan chức chính phủ Colombia và gia đình họ - "những người chịu trách nhiệm can thiệp vào hoạt động hồi hương của Mỹ".

Động thái này được áp đặt bổ sung bên cạnh quyết định đình chỉ xử lý thị thực tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bogota. Ông Rubio cho biết các hạn chế sẽ tiếp tục, "cho đến khi Colombia thực hiện nghĩa vụ tiếp nhận công dân trở về".

"Chúng tôi gửi thông điệp rõ ràng rằng các quốc gia có nghĩa vụ chấp nhận các chuyến bay hồi hương", một quan chức Mỹ cấp cao giấu tên nói. Trong một tuyên bố, ông Rubio cho biết ông Petro đã "hủy bỏ quyền hạn" khi máy bay đang ở trên không.

 Ông Trump trấn áp người nhập cư không giấy tờ ngay những ngày đầu tiên lên nắm quyền. Ảnh: Reuters.

Ông Trump trấn áp người nhập cư không giấy tờ ngay những ngày đầu tiên lên nắm quyền. Ảnh: Reuters.

Trong tuyên bố về "biện pháp trả đũa khẩn cấp và quyết liệt", ông Trump giải thích đã ra lệnh áp thuế và "lệnh cấm đi lại và thu hồi thị thực ngay lập tức" với các quan chức chính phủ Colombia, đồng minh và người ủng hộ.

"Tất cả thành viên của đảng, thành viên gia đình và những người ủng hộ chính phủ Colombia sẽ phải chịu trừng phạt thị thực”, ông Trump viết, nhưng không nói rõ đang ám chỉ tới đảng nào hay cung cấp thông tin chi tiết bổ sung về các hạn chế thị thực và đi lại. Tổng thống Mỹ nói thêm tất cả người Colombia sẽ bị hải quan kiểm tra gắt gao hơn.

Trước đó cùng ngày, ông Petro nhấn mạnh chính phủ Colombia sẽ không chấp nhận các chuyến bay chở người di cư bị trục xuất khỏi Mỹ cho đến khi chính quyền Trump đối xử "tôn trọng" với họ. Vị tổng thống đưa ra thông báo trong 2 bài đăng trên X, một trong số đó đính kèm một video tin tức về những người di cư bị trục xuất đến Brazil đi trên đường băng khi chân tay bị trói.

"Người di cư không phải là tội phạm và phải được đối xử với sự tôn trọng như một con người", ông Petro ghi. "Đó là lý do tôi trả lại các máy bay quân sự của Mỹ chở người di cư Colombia... trên các máy bay dân sự và không bị đối xử như tội phạm, khi đó chúng tôi sẽ tiếp đón đồng hương".

Sau thông báo của ông Trump, ông Petro tuyên bố đã ra lệnh cho "bộ trưởng thương mại nước ngoài tăng thuế nhập khẩu từ Mỹ lên 25%".

Theo CNN, tối 26/1 (giờ địa phương), Nhà Trắng ra tuyên bố chính phủ Colombia đã “đồng ý với tất cả điều khoản của Tổng thống Trump, trong đó chấp nhận không hạn chế tất cả người nước ngoài bất hợp pháp trở về, kể cả trên máy bay quân sự của Mỹ mà không có giới hạn hay chậm trễ”.

Dựa trên thỏa thuận này, Thư ký báo chí Karoline Leavitt cho biết thuế quan và lệnh trừng phạt tài chính sẽ bị tạm dừng, nhưng vấn đề thị thực với quan chức Colombia và kiểm tra hải quan chặt chẽ hơn với tàu chở hàng hay công dân Colombia vẫn có hiệu lực “cho đến khi chuyến bay đầu tiên chở người Colombia bị trục xuất thành công”.

Theo AP, Tổng thống Colombia Gustavo Petro ngày 26/1 tuyên bố sẽ gửi một máy bay của tổng thống để "tạo điều kiện cho sự trở về có phẩm giá của công dân Colombia".

Khi các đối tác thân thiết quay lưng với nhau

Theo truyền thống, Colombia là đồng minh hàng đầu của Mỹ tại Mỹ Latin. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên căng thẳng sau khi ông Petro trở thành tổng thống theo chủ nghĩa cánh tả đầu tiên của Colombia vào năm 2022 và tìm cách xa rời Mỹ.

Theo nhóm vận động Witness at the Border, Colombia đã tiếp nhận 475 chuyến bay trục xuất từ Mỹ trong năm 2020-2024, đứng thứ 5 sau Guatemala, Honduras, Mexico và El Salvador. Tính riêng năm 2024, 124 chuyến bay đã hạ cánh tại Colombia. Colombia cũng nằm trong số các nước bắt đầu nhận các chuyến bay trục xuất do Mỹ tài trợ từ Panama vào năm 2024.

Trong những năm gần đây, người Colombia trở thành lực lượng đông đảo tại biên giới Mỹ - Mexico, một phần nhờ chế độ thị thực cho phép họ dễ dàng bay đến Mexico và tránh phải đi bộ qua khu vực Darien Gap nguy hiểm. Trong khoảng 12 tháng tính từ tháng 9/2023, với 127.604 vụ bắt giữ vì vượt biên trái phép, Colombia đứng thứ tư, sau Mexico, Guatemala và Venezuela.

Mexico không áp dụng các hạn chế về thị thực với người Colombia, đối lập với chính sách áp dụng với người Venezuela, Ecuador và Peru.

 Là một phần trong loạt hành động hiện thực hóa lời cam kết trong chiến dịch tranh cử của tân tổng thống, Nhà Trắng đang dùng lính tại ngũ để bảo vệ biên giới và trục xuất người nhập cư không giấy tờ. Ảnh: Reuters.

Là một phần trong loạt hành động hiện thực hóa lời cam kết trong chiến dịch tranh cử của tân tổng thống, Nhà Trắng đang dùng lính tại ngũ để bảo vệ biên giới và trục xuất người nhập cư không giấy tờ. Ảnh: Reuters.

Là một phần trong loạt hành động hiện thực hóa lời cam kết trong chiến dịch tranh cử của tân tổng thống, Nhà Trắng đang dùng lính tại ngũ để bảo vệ biên giới và trục xuất người nhập cư không giấy tờ.

Hai máy bay chở hàng C-17 của Không quân Mỹ chở người di cư bị trục xuất đã hạ cánh vào sáng sớm 24/1. Cùng ngày, Honduras tiếp nhận hai chuyến bay trục xuất chở tổng cộng 193 người.

Quyết định của ông Trump dường như làm suy yếu mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các quốc gia khác. Không giống Mexico hay Trung Quốc, Colombia là một trong số ít quốc gia có thâm hụt thương mại thấp với Mỹ, khoảng 1,4 tỷ USD.

Theo Hội đồng ngũ cốc Mỹ, Colombia mua ngô và thức ăn chăn nuôi ngô lớn thứ hai của nước này, giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa từ các bang “vành đai nông nghiệp” như Iowa, Indiana và Nebraska lên hơn 733 triệu USD vào năm 2024.

Sự bùng nổ xuất khẩu hàng hóa Mỹ được thúc đẩy bởi một hiệp định thương mại tự do có từ hai thập niên trước giữa hai quốc gia từ lâu đã là đối tác thân thiết trong cuộc chiến chống ma túy. Không rõ liệu mức thuế quan mới do ông Trump đưa ra có hợp pháp theo thỏa thuận này không, trong đó có cơ chế tranh chấp nhằm giải quyết chiến tranh thương mại.

Ngoài ra, Colombia là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ tư ở nước ngoài của Mỹ, vận chuyển khoảng 209.000 thùng dầu/ngày vào năm 2024. Quốc gia Nam Mỹ này cũng là bên cung cấp hoa tươi cắt cành lớn nhất của Mỹ.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/toan-canh-thang-loi-chop-nhoang-cua-ong-trump-post1527828.html