Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 1): Xu thế của thời đại

Cũng giống như một số quốc gia khác, chúng ta đang lúng túng khi đối xử với tiền mật mã; trong khi, đó có thể là hình thái tiền tệ tiếp theo trong thời đại mới.

Trong những năm gần đây, tiền tệ kỹ thuật số đã phát triển cả ở khía cạnh tiền tệ tư nhân và tiền tệ do ngân hàng trung ương phát hành. Các cột mốc quan trọng bao gồm việc thành lập M-Pesa ở Kenya năm 2007, Bitcoin năm 2009, Libra/Diem vào năm 2019. Hay việc công bố tiền kỹ thuật số của NHTW Trung Quốc - Nhân dân tệ kỹ thuật số…. Điều này đưa đến một số quốc gia thích nghi nhanh chóng nhưng cũng có nhiều quốc gia vẫn chưa chủ động trong nghiên cứu và triển khai. Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia chưa chủ động trong nghiên cứu mà chỉ đứng ngoài quan sát. Việc thiếu những hiểu biết cần thiết về nền tảng kỹ thuật phức tạp và những lo ngại về các ảnh hưởng có thể có của tiền số lên nền kinh tế khiến cho phản ứng của các chính phủ trở nên bị động và tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Sự phát triển của tiền tệ kỹ thuật số có thể hình dung qua sự phát triển của Bitcoin, khi từ một thuật toán nguồn mở được làm ra bởi một lập trình viên ẩn danh, ngày nay đã trở thành loại tiền điện tử được hàng chục triệu người sở hữu và thậm chí bắt đầu trở thành tiền tệ hợp pháp (ảnh: Internet)

Sự phát triển của tiền tệ kỹ thuật số có thể hình dung qua sự phát triển của Bitcoin, khi từ một thuật toán nguồn mở được làm ra bởi một lập trình viên ẩn danh, ngày nay đã trở thành loại tiền điện tử được hàng chục triệu người sở hữu và thậm chí bắt đầu trở thành tiền tệ hợp pháp (ảnh: Internet)

Sự phát triển của tiền tệ kỹ thuật số có thể hình dung qua sự phát triển của Bitcoin, khi từ một thuật toán nguồn mở được làm ra bởi một lập trình viên ẩn danh, ngày nay đã trở thành loại tiền điện tử được hàng chục triệu người sở hữu và thậm chí bắt đầu trở thành tiền tệ hợp pháp (ảnh: Internet)

Khái niệm tiền kỹ thuật số được giới thiệu 46 ngày sau vụ phá sản lịch sử của ngân hàng Lehman Brothers, sự kiện đánh dấu thời điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng tài chính lớn thứ hai trong lịch sử. Trong suốt khoảng thời gian sau đó, khi mà các giám đốc điều hành, các nhà làm luật cố gắng xác định các phương pháp và cách thức hiệu quả để đưa nền kinh tế vào trạng thái ổn định như trước thì một nhóm nhỏ các kỹ sư quyết định tiếp tục theo đuổi ý tưởng về tiền kỹ thuật số. Dù cho tiền số đã bắt đầu từ những thập niên 90 và có hàng ngàn các phát kiến mới được tạo ra kể từ đó, nó vẫn còn ẩn chứa rất nhiều thứ chưa được khám phá hết.

Tiền kỹ thuật số (digital currency) là dạng thức tiền tệ tồn tại dưới dạng dữ liệu máy tính được sinh ra nhằm thay thế cho tiền giấy hoặc tiền xu, khi sử dụng cần phải thông qua phần mềm và hệ thống máy tính kết nối internet. Tiền kỹ thuật số thời đại ngày nay thường được chia làm hai loại chính đó là tiền điện tử truyền thống (đơn vị sử dụng vẫn là tiền pháp định do Ngân hàng Trung Ương phát hành) và tiền mật mã (đơn vị tiền tệ hoàn toàn mới do hệ thống máy tính được lập trình sẵn phát hành độc lập).

Cuộc cách mạng tiền kỹ thuật số thật sự bắt đầu với sự xuất hiện của nhóm thứ hai chính là tiền mật mã (crypto currency), mà một sản phẩm thành công nhất đến thời điểm hiện tại là đồng tiền Bitcoin, đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tài chính. Thậm chí, thật không khoa trương khi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thị trường tài chính toàn cầu đã hoàn toàn thay đổi khi hàng ngàn tỷ USD đã được phân bổ vào thị trường tiền số thế hệ mới, các giao dịch tài chính được tự động hóa bởi đoạn mã lập trình sẵn, một thế giới mà tất cả tài sản được số hóa và được công khai một cách “ẩn danh”.

Tiền mật mã sử dụng cơ chế mật mã học hiện đại và được quản lý bởi hệ thống máy tính phi tập trung (decentralized system) với các thuật toán tự động trong nền tảng chuỗi khối (blockchain). Theo Satoshi (2008) thì tiền mật mã có rất nhiều ưu điểm vượt trội như: (1) Tính an toàn: nếu số lượng máy tính hoạt động trong mạng lưới (node) đủ lớn thì khả năng bị tấn công bởi một kẻ tấn công mạng (hacker) gần như rất khó xảy ra, người tấn công phải chiếm quyền kiểm soát gần như 50% số lượng máy tính trong hệ thống mới có thể điều chỉnh thông tin dữ liệu tiền mật mã; (2) Tính ẩn danh: thông tin cá nhân của một người được mật mã hóa, giúp quyền riêng tư được đảm bảo khi tham gia hệ thống; (3) Tính tiết kiệm: trung gian thanh toán (như ngân hàng) được giảm thiểu khiến chi phí trung gian thanh toán không còn là vấn đề trong hệ thống tiền mật mã, thậm chí các hợp đồng truyền thống như L/C (hợp đồng tín dụng thư) có thể được thay thế bởi hợp đồng thông minh (Smart contract); (4) Tính nhanh chóng: với sự cải tiến về tốc độ internet trên toàn cầu thì tốc độ thanh toán trong nền kinh tế sẽ tăng lên gấp nhiều lần; (5) Tính năng chống lạm phát tự động: hệ thống tiền mật mã được điều tiết một cách tự động trong hệ thống để tránh việc sinh ra quá mức cần thiết khiến cho tỷ lệ lạm phát tăng lên không mong muốn mà không cần có một trung tâm điều phối như ngân hàng trung ương.

Mô hình tiền điện tử truyền thống (sổ cái tập trung) và tiền số thế hệ mới (sổ cái phi tập trung)

Mô hình tiền điện tử truyền thống (sổ cái tập trung) và tiền số thế hệ mới (sổ cái phi tập trung)

Với rất nhiều tính năng nổi trội như vậy, trong những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến tiền mật mã phát triển một cách nhanh chóng và liên tiếp có rất nhiều loại tiền mật mã mới ra đời. Một trong những loại hình tiền mật mã thành công nhất và được chấp nhận thanh toán nhiều nhất hiện nay là Bitcoin. Mặc dù cũng còn nhiều khuyết điểm khi triển khai trong thực tế nhưng tiền mật mã Bitcoin đã gây ra cơn địa chấn toàn cầu và làm dấy lên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tiền tệ. Điển hình trong cuộc cách mạng tiền tệ này là Trung Quốc, một trong những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chính thức triển khai số hóa đồng nhân dân tệ, đưa vào lưu thông đồng tiền số do Ngân hàng trung ương phát hành cho những giao dịch mua sắm tiêu dùng của người dân tại một số thành phố lớn.

Như vậy, tiền mật mã có thể là hình thái tiếp theo của tiền tệ (sau tiền giấy) trong thời đại mới. Điều này khiến rất nhiều Chính phủ lúng túng vì không theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu, họ không thể hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại và lưu hành nhưng cũng không thể ngay lập tức chấp nhận tiền số thế hệ mới vì thiếu đi các cơ sở pháp lý cũng như quyền lực chi phối cung tiền trong nền kinh tế. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy là các quốc gia bắt đầu xây dựng một chính sách tiền tệ thời kỳ mới nhằm thích ứng với sự tồn tại của tiền mật mã, thậm chí có một làn sóng các quốc gia bắt đầu tự xây dựng tiền mật mã trở thành tiền pháp định (Điển hình như trường hợp El Salvador đã công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp mới đây -BT).

Trước xu thế của thời đại, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, cũng giống như một số quốc gia khác, chúng ta đang lúng túng khi đối xử với tiền mật mã. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ là Ngân hàng Nhà nước rà soát lại khung pháp lý đối với tiền mật mã, sau đó Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động tiếp theo là hạn chế tất cả giao dịch mua bán có liên quan đến tiền mật mã (hoặc tiền ảo) thông qua chuyển khoản trên hệ thống ngân hàng, đồng thời ra thông báo tất cả việc cung ứng, phát hành, sử dụng tiền mật mã là hành vi vi phạm pháp luật.

Các phản ứng này sẽ làm hạn chế sự phát triển của tiền mật mã tại thị trường Việt Nam, song liệu rằng chúng ta hành xử như vậy có hợp lý chưa? Việc hạn chế phát triển tiền mật mã tại Việt Nam có làm cản trở quá trình tiến vào nền kinh tế 4.0 như Thủ tướng Chính phủ đang khuyến khích tất cả mọi thành phần kinh tế hay không? Nếu chúng ta phủ nhận sự tồn tại và phát triển của tiền mật mã thì chính sách tiền tệ thời kỳ mới có thể sẽ không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Đứng trước vấn đề này, chúng ta cần làm rõ sự khác biệt của tiền mật mã so với tiền tệ truyền thống và những thách thức mà nó đặt ra. Trong đó sự ứng xử của Ngân hàng Trung ương (NHTW) sẽ quyết định sự phát triển trong tương lai của hệ thống tiền số thế hệ hệ mới. Cơ chế tự động của tiền số sẽ chi phối toàn bộ nền kinh tế, sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn hay không, hay sẽ làm gia tăng những bất ổn khi không có bàn tay can thiệp của con người. Tất cả những vấn đề này đều cần phải được tìm hiểu và nghiên cứu. Bởi khi phân tích đầy đủ đặc tính ưu việt của tiền mật mã, mối tương quan với tiền tệ truyền thống và các thách thức đối với hệ thống tài chính hiện hữu, những nhà làm chính sách sẽ có thể đề ra các chính sách ứng xử với tiền số thế hệ mới, hoặc chuẩn bị cho một đồng tiền số của Việt Nam trong tương lai, điều mà gần như khó có thể né tránh.

Kỳ 2: Những cột mốc phát triển của tiền số thế hệ mới

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/toan-canh-tien-te-ky-thuat-so-ky-1-xu-the-cua-thoi-dai-626881.html