Toàn cảnh vụ tàu lặn Titan mất tích

Đội cứu hộ thuộc Lực lượng Tuần duyên Mỹ vừa gấp rút đưa thêm thiết bị tìm kiếm đến nơi được cho là tàu lặn Titan mất liên lạc khi đang lặn xuống khu vực xác tàu Titanic hôm 18/6. Đội cứu hộ hy vọng tiếng động dưới nước mà họ phát hiện trong hai ngày liên tiếp có thể giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm trong khi lượng oxy trên tàu lặn đang dần cạn kiệt.

Hiện lực lượng cứu hộ đang rà soát khu vực biển rộng khoảng 40.000 km2 - gấp đôi diện tích bang Connecticut, và độ sâu trung bình đến 4.000 m để tìm kiếm chiếc tàu lặn mất tích. Tuy nhiên khu vực Bắc Đại Tây Dương dễ gặp sương mù và bão, gây khó khăn cho nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ. Địa điểm nơi tàu Titan mất tích cách bờ biển hàng trăm km cũng khiến việc triển khai thiết bị và phương tiện tìm kiếm mất nhiều thời gian.

Video bên trong tàu lặn OceanGate Expedition vừa mất tích trong chuyến thám hiểm Titanic (Nguồn OceanGate).

Ai đang ở trên tàu Titan?

5 người trên tàu lặn Titan bao gồm một phi công và bốn “chuyên gia sứ mạng” - Chuẩn Đô đốc John Mauger thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết.

Giám đốc điều hành và người sáng lập Công ty OceanGate, Stockton Rush, cũng nằm trong số những người trên tàu, theo một nguồn tin am hiểu về chuyến đi.

Một doanh nhân người Anh làm việc tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là Hamish Harding, có mặt trên tàu lặn. Harding là một trong những người đầu tiên thám hiểm Rãnh Challenger Deep ở Thái Bình Dương - điểm sâu nhất được biết đến trên Trái đất.

Hai thành viên khác của nhóm hành khách còn có doanh nhân người Pakistan Shahzada Dawood và con trai ông là Sulaiman Dawood, cũng có mặt trên tàu - theo một tuyên bố được gia đình đưa ra ngày 20/6. Shahzada Dawood là người được ủy thác của Viện SETI, một tổ chức nghiên cứu ở California. Ông cũng là Phó Chủ tịch của Dawood Hercules Corporation.

Trang web của OceanGate cho biết, các chuyến thám hiểm của họ, có giá lên tới 250.000 USD, thường bao gồm một thuyền trưởng, một chuyên gia và ba hành khách trả tiền.

Từ trái qua phải: Hamish Harding, Shahzada Dawood và Paul-Henri Nargeolet. Ảnh: Getty Images.

Từ trái qua phải: Hamish Harding, Shahzada Dawood và Paul-Henri Nargeolet. Ảnh: Getty Images.

Tàu Titan đã mất tích như thế nào?

Tàu Titan đang trong hành trình kéo dài 8 ngày do công ty thám hiểm OceanGate Expeditions thực hiện. Chuyến đi bắt đầu từ New Foundland, những người tham gia bắt đầu di chuyển 6740km đến địa điểm xác tàu, cách bờ biển Cape Cod, bang Massachusetts (Mỹ) khoảng 1.450 km.

Chiếc tàu bắt đầu đi xuống khu vực xác Titanic, dự kiến kéo dài trong hai tiếng vào sáng Chủ nhật 18/6. Nó mất liên lạc với Tàu mẹ Polar Prince sau 1 tiếng 45 phút.

Hoạt động tìm kiếm đã bắt đầu ngay trong ngày hôm đó. Hiện vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra với chiếc tàu lặn, tại sao nó mất liên lạc và nó ở vị trí gần xác tàu Titanic đến mức nào khi mất tích.

Tàu lặn Titan. Ảnh: OceanGate

Tàu lặn Titan. Ảnh: OceanGate

Cấu tạo tàu ngầm Titan

Titan là tàu lặn nghiên cứu và khảo sát, có thể chở 5 người, thường là một người lái tàu và 4 chuyên gia có thể bao gồm các nhà khảo cổ học, nhà sinh học biển hoặc bất kỳ du khách nào có đủ khả năng trải nghiệm.

Theo nhà điều hành OceanGate, tàu Titan được làm bằng titan và sợi carbon, dài 6,7 mét, nặng 10.432 kg, tương đương vơí1 chiếc ô tô cỡ trung bình và có khả năng lặn ở độ sâu 4.000 mét.

Con tàu sử dụng 4 động cơ đẩy điện để di chuyển và được trang bị một camera, đèn chiếu sáng và máy quét để khám phá môi trường xung quanh. Cửa vòm ở mặt trước tàu đóng vai trò như cửa ra vào, đồng thời là khung nhìn lớn nhất trong số các tàu lặn sâu có người lái. OceanGate cho biết công nghệ hiện đại trên tàu cung cấp “tầm nhìn vô song” về đại dương sâu thẳm.

Tàu Titan cũng sử dụng công nghệ vệ tinh Starlink để liên lạc. Tàu có tốc độ tối đa là 3 hải lý/giờ, nhưng càng lặn sâu thì tốc độ càng chậm.

Tàu Titan có kích thước 670 cm x 280 cm x 250 cm. Con tàu có thể lặn xuống độ sâu 4.000 mét. Ảnh: OceanGate

Tàu Titan có kích thước 670 cm x 280 cm x 250 cm. Con tàu có thể lặn xuống độ sâu 4.000 mét. Ảnh: OceanGate

Thiết kế của tàu Titan từng bị nghi ngờ

Ông David Lochridge, cựu Giám đốc Bộ phận vận hành trên biển tại Công ty OceanGate, từng bày tỏ quan ngại về mức độ an toàn của chuyến thám hiểm trước khi bị sa thải năm 2018.

Ông Lochridge cho rằng ông bị OceanGate sa thải do đã “bày tỏ quan ngại về thiết kế mang tính thử nghiệm, chưa được kiểm chứng của tàu Titan (là chiếc tàu mới gặp nạn)”. Ông Lochridge cũng quan ngại về “việc kiểm soát chất lượng và an toàn của tàu Titan, cụ thể là việc OceanGate từ chối triển khai thử nghiệm với thiết kế của vỏ tàu”, cảnh báo tàu Titan có thể gặp nguy hiểm nếu lặn xuống sâu.

Theo cựu lãnh đạo OceanGate, một số phần của tàu chỉ được chứng nhận chịu đựng được độ sâu 1.300 m, nhưng công ty muốn đưa hành khách tới độ sâu 4.000 m.

Tàu Titan được sử dụng để thám hiểm xác tàu Titanic. Ảnh: La Presse.

Tàu Titan được sử dụng để thám hiểm xác tàu Titanic. Ảnh: La Presse.

Các siêu tàu lặn, máy bay săn ngầm quần thảo tìm kiếm tàu Titan

Khi việc tìm kiếm tàu Titan mất tích đang trở thành cuộc "chạy đua với thời gian", những thiết bị săn tìm dưới nước tiên tiến nhất thế giới đã được triển khai để lùng sục đáy Đại Tây Dương.

Một đội cứu hộ quốc tế hùng hậu gồm các tàu lặn siêu công nghệ cao, máy bay và tàu mặt nước đang quần thảo khu vực rộng 16.000km2 của Đại Tây Dương với hy vọng tìm thấy tàu lặn Titan mất tích cùng 5 người.

Theo tờ Dailymail, hai tàu lặn siêu công nghệ cao đã được triển khai để tìm kiếm Titan. Hai phương tiện này nằm trong số những công cụ tìm kiếm dưới nước tiên tiến nhất thế giới, nhưng có thể đã quá muộn để cứu 5 thủy thủ của Titan ngay cả khi con tàu lặn được phát hiện

Mặc dù vậy, hy vọng đã được nâng lên sau khi một máy bay P-3 của Canada phát hiện những "tiếng vọng" từ dưới mặt nước. Một đội tàu đang lớn mạnh hơn cũng tham gia vào việc tìm kiếm.

Hai tàu lặn siêu công nghệ cao có khả năng lặn sâu 6.000 mét dưới bề mặt đại dương hiện đang dẫn đầu cuộc tìm kiếm dưới nước và nhiều phương tiện hơn nữa đang trên đường đến khu vực. Các phương tiện lặn được hỗ trợ bởi một đội tàu chuyên dụng bao gồm các công cụ có thể giúp nhấc Titan lên khỏi đáy biển nếu nó được tìm thấy.

Lực lượng cứu hộ hùng hậu đang được triển khai tìm kiếm tàu lặn mất tích. Ảnh: D.M

Lực lượng cứu hộ hùng hậu đang được triển khai tìm kiếm tàu lặn mất tích. Ảnh: D.M

Nhiều thách thức trong cứu hộ tìm kiếm tàu Titan?

Lực lượng cứu hộ đang gặp phải nhiều vấn đề khi tìm kiếm tàu Titan tại vùng biển có diện tích tương đương với bang Connecticut của Mỹ, không biết liệu con tàu này đã nổi lên mặt nước hay vẫn bị chìm ở độ sâu hàng nghìn mét dưới đáy Đại Tây Dương.

Các chuyên gia nhận định nếu Titan đã chìm xuống đáy đại dương, con tàu này sẽ không thể được giải cứu. Xác tàu Titanic nằm ở độ sâu khoảng 3.800 m dưới mặt biển. Chiếc tàu lặn mất liên lạc ở giữa hành trình lặn xuống xác con tàu chở khách nổi tiếng.

Các chuyên gia nhận định tình huống sử dụng một tàu lặn khác để thực hiện quá trình giải cứu là không khả thi. Chỉ một số ít các tàu ngầm trên thế giới có khả năng hạ xuống độ sâu của xác tàu Titanic. Ngay cả khi đạt đến độ sâu trên, các tàu ngầm cũng không có đủ sức mạnh động cơ để kéo theo một tàu khác nổi lên mặt nước.

Nếu con tàu đang trôi dạt trên mặt biển, quá trình tìm kiếm phương tiện này sẽ giống như "mò kim trong đáy bể". Con tàu rất khó bị phát hiện do chìm một phần dưới mặt nước.

Tàu Titanic của Anh bị đắm ở Đại Tây Dương sau khi đâm vào một tảng băng trôi khi đang trong hành trình từ Southampton (Anh) đến New York vào tháng 4/1912. Thảm họa này khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.

Xác tàu được phát hiện ở Đại Tây Dương vào năm 1985, cách bờ biển Canada khoảng 595 km. Xác con tàu bị gãy làm đôi.

Địa điểm tàu Titanic bị đắm đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng khi nhiều du khách muốn có cơ hội lặn xuống biển sâu để tham quan địa điểm này.

Theo hãng tin Reuters, để tham gia chuyến thám hiểm xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương, mỗi hành khách phải trả tới 250.000 USD.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/toan-canh-vu-tau-ngam-titan-mat-tich-174097.htm